Thứ 4, 13/11/2024, 07:57[GMT+7]

Cựu chiến binh Hoàng Quốc Lập và câu chuyện “Bỏ tiền tỷ - thu tiền lẻ”

Thứ 3, 25/07/2017 | 09:21:46
2,792 lượt xem
Trở về sau những năm tháng chiến tranh, cựu chiến binh Hoàng Quốc Lập lại tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận phát triển kinh tế. Không chỉ làm chủ một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, một nhà máy nước sạch cung cấp cho 10.000 hộ dân, ông còn là Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh.

Nhà máy nước sạch Đông Huy.

Người lính với mảnh đạn trong người

Tháng 4/1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, chàng trai trẻ Hoàng Quốc Lập xung phong lên đường nhập ngũ khi mới 17 tuổi, trở thành lính Trung đoàn 8, Quân khu 3 rồi chuyển sang Trung đoàn 36B, Sư đoàn 308, tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Sau đó ông chuyển sang Sư đoàn 341 thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Bắc sông Bến Hải và tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. 

Ông kể lại: Tháng 12/1974, Sư đoàn 341 được lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trận đánh đầu tiên tôi được giao nhiệm vụ làm trung đội trưởng chỉ huy 36 chiến sĩ chiến đấu ở chốt huyện Chơn Thành (Bình Phước). Ở trận này tôi bị mảnh đạn pháo cắt sát thái dương, may mắn vết thương không nặng. Sau trận đánh, đơn vị do tôi chỉ huy đã nhiều lần bị địch cùng máy bay, pháo binh, hỏa lực mạnh tấn công hòng lấy lại chốt. Song với quyết tâm bảo vệ bằng được chốt, trung đội dưới sự chỉ huy của tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đến cuối tháng 4/1975, tôi tiếp tục cùng đơn vị tham gia đánh địch ở chi khu Trảng Bom và giải phóng tổng kho Long Bình. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tôi lại cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 341 có mặt đầu tiên. Hơn 3 năm chiến đấu ác liệt, chứng kiến bao đồng đội hy sinh, bản thân tôi bị thương nhiều lần, trong người vẫn còn một mảnh đạn.

Hàng nghìn hộ dân ở Đông Hưng sử dụng nguồn nước sạch do nhà máy nước của cựu chiến binh Hoàng Quốc Lập cung cấp.

Người lính trên mặt trận kinh tế

Năm 1983, ông Lập xuất ngũ về quê với biết bao khó khăn như sức khỏe yếu, không có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh… Để có nghề nghiệp ổn định, ông theo học trung cấp kế toán và về làm tại HTX thương mại tổng hợp bến xe. Thời gian này, dù gặp rất nhiều khó khăn trong nghề nghiệp và cuộc sống nhưng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ đã giúp ông vượt qua. Năm 2004, ông thành lập Công ty TNHH 27/7 Tiền Phong, hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác thải xây dựng, san lấp, xây dựng công trình... Nhiều năm hoạt động, Công ty đã có uy tín, chỗ đứng trên thương trường. Rất nhiều công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng, các khu đô thị, đường sá, cầu cống trên địa bàn tỉnh được Công ty thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nhà máy nước sạch Đông Huy được xây dựng từ tháng 3/2014 đến tháng 2/2015, vốn đầu tư 60 tỷ đồng, công suất 4.500m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 10.000 hộ dân của 6 xã: Đông Phong, Đông Huy, Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Kinh, Đông Á (Đông Hưng). Đây là nhà máy sử dụng công nghệ lắng Lamen do Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình tư vấn, lắp đặt. Để bảo đảm chất lượng nước, Công ty đã lấy nước đầu vào từ sông Trà Lý, đầu tư mua sắm máy móc, xây dựng phòng nội kiểm, thực hiện kiểm tra chất lượng nước hàng ngày cùng với định kỳ hàng quý gửi mẫu nước về Trung tâm Y tế dự phòng Thái Bình kiểm nghiệm chất lượng, tất cả các mẫu đều đạt quy chuẩn do Bộ Y tế ban hành.

Đưa chúng tôi đi tham quan nhà máy, ông Lập tâm sự: Giai đoạn đầu triển khai dự án gặp không ít khó khăn do người dân địa phương chưa hiểu rõ về chủ trương xã hội hóa nước sạch nên không cho đào đường, lắp ống dẫn nước, việc vay vốn ngân hàng không thuận lợi. Ngay cả khi nhà máy đã đi vào hoạt động tỷ lệ hộ dân sử dụng nước vẫn rất thấp... Không chỉ có Công ty của tôi mà nhiều doanh nghiệp khác đầu tư theo chủ trương xã hội hóa của tỉnh đều gặp những khó khăn như vậy. Vì thế, tôi cùng một số chủ doanh nghiệp xin tỉnh cho thành lập Hội Nước sạch tỉnh với mục đích giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng, lắp đặt thiết bị, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp… Tháng 6/2015, Hội Nước sạch tỉnh được thành lập với 23/29 doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch và 3 doanh nghiệp cung cấp vật tư, thiết bị ngành nước với trên 60 hội viên. Từ đó, nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai dự án đã được Hội chuyển tới các cấp, ngành của tỉnh và nhanh chóng được tháo gỡ, giải quyết. Không những vậy, với những dự án chậm triển khai do người dân chưa đồng thuận, Hội đã nhiều lần xuống địa phương cùng chủ dự án giải thích, tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa của xã hội hóa nước sạch để nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó giúp các doanh nghiệp triển khai dự án được thuận lợi, sớm đi vào hoạt động.

Trăn trở về những dự định sắp tới, ông Lập chia sẻ: Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh còn thấp, khoảng 40%. Điều này khiến doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi để xây dựng một công trình nước sạch nông thôn doanh nghiệp phải đầu tư từ 50 - 100 tỷ đồng nhưng tiền nước thu về toàn là tiền lẻ và cũng rất khó khăn. 

Để đưa nước đến với nông dân và làm tốt cái việc “bỏ tiền tỷ - thu tiền lẻ”, ông cho rằng thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nước sạch, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 60% hộ dân trong tỉnh sử dụng nước sạch vào cuối năm 2017.

Năm 2012, khi tỉnh có chủ trương xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn, ông Lập đã đầu tư 60 tỷ đồng xây dựng nhà máy nước sạch ngay trên quê hương của mình - xã Đông Huy (Đông Hưng), điều mà ông luôn ấp ủ từ lâu là phải làm gì đó cho nơi mình sinh ra.

Trần Tuấn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày