Thứ 7, 23/11/2024, 20:53[GMT+7]

Cựu chiến binh Phạm Văn Chiến - Nghĩa tình với đồng đội

Thứ 2, 31/07/2017 | 10:05:05
2,290 lượt xem
Những năm gần đây, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, nhà dân trên địa bàn huyện Đông Hưng được xây mới, sửa chữa, nâng cấp khang trang. Thành công đó có được là nhờ công sức của mỗi người dân nơi đây tạo dựng nên, trong đó có đóng góp không nhỏ của doanh nhân - cựu chiến binh Phạm Văn Chiến.

Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Đạt thi công sân vận động huyện Đông Hưng.

Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, chàng thanh niên Phạm Văn Chiến xuất ngũ về quê nhà - xã Mê Linh (Đông Hưng) khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Song với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ được tôi rèn trong quân ngũ, Phạm Văn Chiến đã bươn trải qua nhiều nghề khác nhau, vừa mưu sinh vừa học hỏi. 

Năm 2002, ông mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Đạt, lấy chữ tín và chất lượng công trình làm phương châm hoạt động, từng bước đưa Công ty phát triển vững chắc. Từ đó đến nay, Giám đốc Phạm Văn Chiến đã chèo lái Thành Đạt đi từ thành công này đến thành công khác, khẳng định uy tín, thương hiệu từ các công trình trọng điểm trong và ngoài huyện như cống Đại Nẫm, chiếu chèo làng Khuốc, cầu Tiên La, trụ sở UBND hàng chục xã, một loạt các trường mầm non, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn…, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động xã Mê Linh và các xã trên địa bàn huyện với mức lương bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Không chỉ nhận nhiều công trình để giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động, Công ty còn thực hiện tốt chế độ khen thưởng, đóng bảo hiểm, trao quà cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Doanh thu của Công ty mỗi năm một tăng, hiện đạt trên 70 tỷ đồng, hàng năm nộp thuế cho Nhà nước từ 2 tỷ đồng trở lên. Mỗi năm, Giám đốc Phạm Văn Chiến còn trích từ lợi nhuận của Công ty ủng hộ các địa phương xây dựng nông thôn mới từ 200 - 400 triệu đồng.

Cựu chiến binh Phạm Văn Chiến luôn tâm niệm: Mình may mắn được sống trong hòa bình thì không được quên đồng đội mình, lớp cha anh - những người lính can trường đã ngã xuống, không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Ông nhận các cựu chiến binh, cựu quân nhân, bộ đội xuất ngũ và con em của họ vào làm việc tại Công ty, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định. Ông cũng là một trong những người sáng lập Hội Doanh nhân cựu chiến binh huyện Đông Hưng để làm chỗ dựa về tổ chức, pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nơi hội viên cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nơi gắn bó nghĩa tình đồng đội, đồng nghiệp. 

Điều đáng trân trọng ở doanh nhân, cựu chiến binh Phạm Văn Chiến là sống nghĩa tình với đồng đội, đồng chí và trách nhiệm với xã hội. Năm nào ông cũng dành một phần kinh phí đóng góp vào các quỹ nghĩa tình đồng đội, quỹ vì người nghèo, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, trao quà cho nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, gia đình chính sách, người dân vùng bị thiên tai, người nghèo nhân dịp lễ, tết... mỗi năm hàng trăm triệu đồng. 

Từ năm 2016 đến nay, ông cùng Hội Doanh nhân cựu chiến binh, Hội Doanh nghiệp huyện hỗ trợ xây 3 nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân Nguyễn Văn Khiển, nạn nhân chất độc hóa học xã Mê Linh, thương binh Phí Ngọc Nam, xã Đông Á, mỗi nhà 60 triệu đồng và gia đình vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Hòa, xã Nguyên Xá 10 triệu đồng; tổ chức trao tặng hàng trăm suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết. 

Thương binh Phí Ngọc Nam phấn khởi cho biết: Gần 80 tuổi tôi mới có cơ hội được ở trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, tôi mừng và cảm động lắm, cảm ơn tấm lòng của ông Chiến và tổ chức hội đã giúp đỡ gia đình tôi.

Với những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Đông Hưng, doanh nhân, cựu chiến binh Phạm Văn Chiến đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng chứng nhận “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Trung Hiếu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày