Thứ 4, 13/11/2024, 07:52[GMT+7]

Tỏa sáng tinh thần vượt khó

Thứ 5, 10/08/2017 | 08:59:46
1,166 lượt xem
Rời quân ngũ trở về quê hương khi những mảnh đạn còn trong cơ thể và chất độc da cam (CĐDC)/Điôxin đã nhiễm vào máu thịt, vượt lên thương tật, những thương binh, nạn nhân CĐDC/Điôxin xã Thụy Sơn (Thái Thụy) vẫn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng quê hương.

Nhờ cần cù, chịu khó, cuộc sống của gia đình ông Phạm Văn Đàn khá giả hơn.

Vết thương chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa thế nhưng trong ký ức của thương binh Lê Văn Trọng, nạn nhân CĐDC/Điôxin thôn Hạ Đồng vẫn không thể quên những trận đánh ác liệt và sự tàn phá của CĐDC/Điôxin nơi chiến trường. 

Ông Trọng chia sẻ: Là lính công binh, thuộc C892 - D152 - F571, Đoàn 559, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, ông được phân công nhiệm vụ san lấp hố bom. Chiến tranh tàn khốc, cái chết cận kề, có những trận đánh đại đội ông hy sinh 8 người, bản thân ông bị thương. Năm 1975 ông trở về quê hương, cứ tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi vợ sinh con trai đầu lòng. Thế nhưng cháu sinh ra bị khuyết tật và sau này biết được đó là do di chứng CĐDC/Điôxin. Hiện cháu không thể đi lại, nói chuyện, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào bố mẹ già.  

Chung hoàn cảnh như ông Trọng, ông Phạm Văn Đàn ở thôn Thượng Phúc là thương binh hạng 2/4 và cũng bị ảnh hưởng bởi CĐDC/Điôxin nhưng may mắn hơn di chứng CĐDC/Điôxin gây ra cho người con của ông không quá nặng. Người con bị ảnh hưởng gián tiếp bởi CĐDC/Điôxin vẫn có thể tự sinh hoạt và làm những việc nhẹ. 

Ông Đàn chia sẻ: Chiến tranh khó tránh được mất mát, hy sinh. Khi là bộ đội công binh trực tiếp làm nhiệm vụ cài mìn, đánh tăng, phá dây thép gai và mìn của địch nên tôi đã bị thương ở đầu, tay. Vết thương nặng, tôi được cho về điều dưỡng. Năm 1976 tôi trở về địa phương. Mỗi khi thời tiết thay đổi vết thương lại tái phát nhưng nỗi đau thể xác không bằng nỗi lo tinh thần khi biết con bị ảnh hưởng gián tiếp bởi CĐDC/Điôxin. Bản thân bị thương tật, tôi có thể chịu đựng được song chỉ thương vợ và con.

Vượt lên hoàn cảnh

Khi trở về địa phương, mỗi người một gia cảnh song kinh tế khó khăn, những đứa con bị CĐDC/Điôxin hoành hành khiến họ không thể chùn bước. Những người lính Cụ Hồ tự nhủ phải mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa cho gia đình.

Nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức và tích cực tham gia hoạt động địa phương, ông Trọng được bầu và kiêm nhiều chức vụ như: kế toán, Trưởng Công an xã, Phó Chủ tịch UBND xã. 13 năm trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, ông luôn đi đầu trong các hoạt động của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông đã vận động nhân dân phá bỏ cổng dậu, tường rào xây dựng con đường đầu tiên của xóm. Việc làm của ông đã góp phần làm lan tỏa phong trào xây dựng đường nông thôn mới trong thôn, được mọi người hưởng ứng. Chưa dừng lại ở đó, ông còn gương mẫu trong việc chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình vườn ao chuồng. Vốn ít, vợ chồng ông tự đào ao, vượt thổ, có những khi thức đêm để đóng từng viên gạch để xây chuồng trại song họ không hề nản chí. Khi gia trại dần đi vào ổn định, ông tập trung đầu tư nuôi 100 lợn thịt, 10 lợn nái và các loại gia cầm. Ở ao, ông thả các loại cá truyền thống như chim, trôi, trắm; trên vườn, ông trồng hơn 100 cây dược liệu hòe. Mỗi năm doanh thu từ gia trại đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện kinh tế gia đình đã ổn định, hai người con sau của ông đều thành đạt. Ông dự định thời gian tới sẽ đầu tư nuôi thêm các loại gia cầm và giảm tái đàn khi giá lợn còn thấp.

Còn với ông Đàn, dù sức khỏe yếu nhưng ông vẫn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Hơn 10 năm đào ao, vượt thổ, tiền đầu tư vào hai gia trại cũng mất trên 1 tỷ đồng. Với hai gia trại rộng hơn 2 mẫu, ông tập trung nuôi bò, các loại gia cầm, thả cá và trồng cây ăn quả. Đến nay, nhờ sự cần cù, chịu khó, ông có thể tự hào về thành quả của mình. Mỗi năm, trừ chi phí, gia trại của ông thu về trên 200 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình khá giả hơn với ngôi nhà hai tầng khang trang cùng nhiều đồ dùng tiện nghi. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, đảm nhiệm nhiều cương vị công tác như Phó Trưởng công an xã, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin xã, Bí thư Chi bộ thôn. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mỗi cuộc đời, số phận và nghị lực của những thương binh, nạn nhân CĐDC/Điôxin ở xã Thụy Sơn là một câu chuyện dài. Song những người lính Cụ Hồ luôn tỏa sáng tinh thần vượt khó vươn lên. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ vẫn bền gan, vững chí. Tinh thần ấy thế hệ trẻ hôm nay cần học tập và noi theo.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày