Chủ nhật, 10/11/2024, 10:03[GMT+7]

Anh Nghĩa nâng đời máy cấy

Thứ 2, 05/03/2018 | 08:40:06
2,885 lượt xem
Sau thành công của máy cấy không động cơ, anh Trần Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời máy cấy có động cơ.

Anh Trần Đại Nghĩa giới thiệu chiếc máy cấy có động cơ.

Với nhiều tính năng ưu việt, máy cấy có động cơ có thể cấy đạt công suất 900 - 1.000m2/giờ, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí cho người nông dân.

Ý tưởng chế tạo máy cấy có động cơ được anh Trần Đại Nghĩa ấp ủ từ lâu nhưng phải mất hơn 5 tháng anh mới có thể thiết kế xong mô hình của sản phẩm. 

Anh Nghĩa chia sẻ: Chế tạo máy cấy có động cơ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với máy cấy không động cơ. Các chi tiết phải được tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm độ an toàn, chính xác và đạt hiệu quả cao. Máy cấy có động cơ được cấu tạo bởi hệ thống khung sắt, bàn trượt, khay mạ, ắc quy điện, hệ thống điều khiển, các mô tơ, vòng bi và khuôn gá. Thế nhưng, một số chi tiết như: khuôn gá, bàn trượt bằng nhựa thợ cơ khí của xưởng không thể chế tạo được phải nhờ thợ đúc. Do máy liên quan đến động cơ điện nên các thiết bị phải bảo đảm các yếu tố an toàn như: sử dụng ắc quy kín khí, độ bền bình điện lựa chọn phải hợp lý. Máy chạy công suất cao khó tránh khỏi rung lắc mạnh vì thế vật liệu lựa chọn để lắp ghép yêu cầu bảo đảm chất lượng.

Nguyên tắc hoạt động của máy cấy có động cơ rất đơn giản, người dân có thể dễ dàng sử dụng. Máy có thể dùng mạ khay hoặc mạ gieo trên sân để cấy. Sau khi cho mạ lên 6 khay chứa mạ, người dân chỉ cần cầm cần điều khiển dẫn hướng cho máy chạy đi đúng hướng, thẳng hàng. Trên cần điều khiển có công tác điều chỉnh tốc độ cấy và thay đổi mật độ dày, thưa của hàng cấy. Hệ thống mô tơ điện tự cấp điện làm máy hoạt động thao tác cấy. Các cần gạt bùn sẽ xoa mặt ruộng, xóa vết chân lội và làm phẳng mặt trước khi cấy dảnh mạ xuống. Máy cấy có động cơ sở hữu nhiều tính năng ưu việt. Người dân sẽ không phải tốn sức để cấy bằng tay mà chỉ cần dẫn máy, lái cho thẳng hàng cấy. Năng suất cấy máy cao hơn nhiều lần so với cấy tay, giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian và nhân lực. Máy sử dụng bình ắc quy 12 vôn nên một lần sạc có thể cấy được 4 giờ. Các dảnh mạ được cấy từ máy cấy có động cơ đều, không bị đứt gãy. Máy phù hợp với các chân ruộng có độ bùn dày mỏng khác nhau. Để đạt hiệu quả cao nhất, ruộng cần bảo đảm mức nước cao 2 - 3cm.

Tuy nhiên, theo anh Nghĩa, việc nghiên cứu, sáng chế ra một chiếc máy cấy có động cơ không hề đơn giản bởi anh chưa từng theo học khóa đào tạo cơ bản nào liên quan đến ngành điện mà phải tự mày mò, tự học. Thế nhưng, càng đi sâu vào nghiên cứu, chế tạo anh Nghĩa càng say mê và quyết tâm cho ra nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động cho người nông dân và góp phần vào quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Thế Sự, thôn Trung Tân, xã Nam Hà, huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết: Trước kia, mỗi khi vào vụ cấy, người nông dân chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Sau mỗi ngày lao động, người dân thường bị đau lưng, đầu gối vì phải cúi liên tục trong thời gian dài. Một ngày, người cấy nhanh cũng chỉ cấy được hơn sào ruộng, rất vất vả. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết tới sản phẩm máy cấy của anh Trần Đại Nghĩa. Đến xưởng, được tận mắt chứng kiến và chạy thử nghiệm máy cấy, tôi thấy sản phẩm rất hữu ích, phù hợp với mùa vụ nông thôn. Máy cấy đã góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân. Vì thế, gia đình tôi đã lựa chọn sản phẩm máy cấy động cơ của anh Nghĩa.

Hiện sản phẩm máy cấy có động cơ của anh Nghĩa đã được đăng ký trên Cục Sở hữu trí tuệ. Anh dự tính sẽ sản xuất đại trà máy cấy có động cơ trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người nông dân.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày