Chủ nhật, 10/11/2024, 05:34[GMT+7]

Anh Trương Xuân Lượng vừa chiến đấu với tử thần vừa làm giàu

Thứ 2, 22/04/2019 | 08:31:28
2,934 lượt xem
Mắc căn bệnh suy thận nặng, ở tuổi 33, anh Trương Xuân Lượng, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) phải từng ngày, từng giờ chiến đấu với tử thần để giành giật lại sự sống cho chính mình. Trong hoàn cảnh ấy, anh vẫn vượt khó vươn lên làm chủ cơ sở sản xuất có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Vượt lên bệnh tật, anh Trương Xuân Lượng trở thành ông chủ cơ sở sản xuất lồng công nghiệp.

Trở lại thăm gia đình anh Trương Xuân Lượng, sau 5 năm, chúng tôi phấn khởi vì diện mạo nhà cửa của gia đình anh đã đổi thay, khang trang hơn trước khá nhiều, giờ đây một dãy nhà xưởng sản xuất lồng gà, lồng chim đã thay thế các vườn, chuồng nuôi chim bồ câu trước kia. Trong tiếng máy hàn, dập, cắt sắt ồn ào, sôi động, gương mặt rám nắng của những người lao động hiện rõ sự phấn khởi. Từ bệnh viện trở về sau ca chạy thận, anh Lượng còn khá mệt, da xanh xao. Nhìn anh, chúng tôi nhớ lại câu chuyện dăm bảy năm về trước. Khi đó, anh Lượng và em trai mới phát hiện cả hai anh em đều bị căn bệnh suy thận nặng do mang gen di truyền từ mẹ ruột nhưng em trai Lượng đã may mắn hơn khi được “mẹ hai” Phạm Thị Minh Lý cho 1 quả thận còn anh Lượng thì không tìm được thận tương thích. Những tưởng cánh cửa cuộc đời đã đóng sập trước mắt mình, anh Lượng từng bi quan, chán nản, thế nhưng bản lĩnh của một chàng trai giàu nghị lực đã giúp anh vượt lên chính mình. Từ năm 2012 - 2014, vừa chạy thận anh Lượng vừa tổ chức quy hoạch chuồng trại tại vườn nhà, tiến hành nuôi thường xuyên từ 300 - 500 đôi chim bồ câu Pháp, xuất ra thị trường hàng nghìn con chim non, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong quá trình nuôi chim bồ câu, rất nhiều chủ gia trại xa gần đến để nhờ anh thiết kế lồng, chuồng nuôi chim, nuôi gà công nghiệp. Anh nhận thấy thị trường sản xuất lồng chim, lồng gà công nghiệp khá thuận lợi vì rất ít cơ sở chuyên sản xuất mặt hàng đặc thù này. May mắn có sẵn tay nghề làm cơ khí, lại có kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, anh hiểu ngay cách thiết kế chiếc lồng chim, lồng gà công nghiệp sao cho phù hợp tới từng chi tiết nhỏ. Nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, cuối năm 2014, anh mạnh dạn phá bỏ chuồng nuôi chim bồ câu để chuyển sang làm xưởng cơ khí, chuyên sản xuất lồng chim, lồng gà công nghiệp. Ban đầu, anh chỉ đầu tư mua 2 máy hàn, 4 thành viên trong gia đình anh là lao động của xưởng. Nhờ chịu khó học hỏi, có kỹ thuật tốt, anh hướng dẫn lại cho mọi người, ở khâu khó, anh trực tiếp đảm nhận. Sản phẩm làm ra, anh quảng bá qua nhiều kênh, từ giới thiệu cho các cửa hàng, đại lý đến giới thiệu trên trang web, mạng xã hội và chính các chủ gia trại, chăn nuôi giới thiệu cho nhau. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt, từng bước, anh mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm thêm các máy móc, thiết bị và ô tô tải vận chuyển hàng. 

Anh Lượng chia sẻ, anh vẫn là người thực hiện các kỹ thuật chính như thiết kế lồng mẫu, chỉnh độ dầy, thưa của nan sắt mạ kẽm ở từng đơn hàng theo yêu cầu của khách, còn lại kỹ thuật cơ bản để sản xuất lồng công nghiệp không quá khắt khe nên chỉ cần anh hướng dẫn, hỗ trợ lao động, sau một thời gian ngắn công nhân có thể làm được. Đến nay, mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh xuất ra thị trường khoảng 6.000 chiếc lồng chim, lồng gà công nghiệp, thị trường tiêu thụ mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, trừ chi phí sản xuất, anh thu lãi 25 - 27 triệu đồng/tháng từ nghề làm lồng công nghiệp. Ngoài lợi nhuận thu về, cơ sở tạo việc làm ổn định cho 16 lao động, trong đó có 4 thành viên trong gia đình và 12 lao động địa phương, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, tháng cao điểm 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Kéo tay áo, giơ cánh tay bị biến dạng do tiêm truyền quá nhiều, anh Lượng nói điều anh ước mong lớn nhất bây giờ là sức khỏe sẽ tốt hơn. Do suy thận nặng lâu năm, đến nay anh bị ảnh hưởng gây suy tim nặng, hàng ngày cơ thể anh phụ thuộc vào thuốc rất nhiều, có nhiều đợt anh bị mê man liên tục vài ngày. 

Chị Hoàng Thị Lý, lao động tại cơ sở sản xuất của anh Lượng cho biết: Tôi rất khâm phục ý chí kiên cường của  anh Lượng. Sức khỏe yếu như vậy nhưng anh Lượng không hề trông chờ người khác chăm sóc mình mà ngược lại, luôn âm thầm vượt qua đau đớn, bệnh tật để vươn lên, làm trụ cột, điểm tựa cho cả gia đình, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm, thu nhập cho chúng tôi. Từ suy nghĩ “dù bệnh tật vẫn có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, anh Trương Xuân Lượng đã và đang biến mỗi ngày đối diện với căn bệnh hiểm nghèo của mình trở thành một ngày có ý nghĩa.

Với nghị lực, bản lĩnh phi thường trong hành trình vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp, đến nay, anh Trương Xuân Lượng là 1 trong 5 thanh niên tiêu biểu của huyện Vũ Thư vinh dự giành giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Quỳnh Lưu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày