Chủ nhật, 10/11/2024, 05:57[GMT+7]

Người thương binh giữ rừng

Thứ 2, 06/05/2019 | 09:11:16
2,259 lượt xem
Những ngày tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Vũ Văn Tưởng, thương binh hạng 1/4 ở xã Đông Hoàng (Tiền Hải) - người có nhiều cống hiến phát triển, giữ gìn màu xanh của rừng ngập mặn, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Tưởng tích cực trồng cây gây rừng.

Năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tưởng lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Nam Tổ quốc, cùng các đồng đội ở Sư đoàn 5 Quân khu 7 sang giúp nước bạn Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau nhiều năm chiến đấu giúp nước bạn, năm 1984 ông xuất ngũ với những vết thương luôn tái phát lúc trái gió trở trời. Những ngày đầu trở về quê hương, cuộc sống gia đình ông gặp bao khó khăn, thiếu thốn nhưng càng khó khăn, bản lĩnh người lính lại giục giã thôi thúc ông, ngày qua ngày ông cùng vợ con kiên trì cần cù lao động để phát triển kinh tế gia đình. Sau mỗi ngày lao động mệt mỏi, ông lại đi dạo trên triền đê quê nhà, ngắm nhìn cánh rừng ngập mặn bát ngát một màu xanh. Từ tình yêu những cánh rừng, khi nhiều lần chứng kiến người dân chưa ý thức vẫn lấn chiếm chặt phá “vành đai xanh” gây xói mòn chân đê, đồng ruộng nhiễm mặn, đã thôi thúc trong lòng người thương binh phải làm gì để cống hiến cho quê hương. 

Năm 1994, xã Đông Hoàng thực hiện chủ trương khoán trông coi rừng, đây là cơ hội lớn để ông Tưởng thể hiện tình yêu rừng ngập mặn: đứng ra nhận đấu thầu, trông coi phát triển rừng ngập mặn của địa phương. Máu của người thương binh vẫn đổ trong thời bình vào những ngày đầu được giao nhiệm vụ trông coi rừng khi phải chống trả lại những đối tượng có hành vi chặt phá rừng lấn chiếm đất để nuôi thủy hải sản. Mặc dù có nhiều khó khăn khi một mình đứng ra làm “lá chắn sống” để giữ những dải rừng thông, bần ven biển cũng không làm ông Tưởng nản chí, suốt nhiều năm qua, ông luôn quyết tâm phối hợp với chính quyền địa phương để trồng và phát triển rừng ngập mặn. Những diện tích rừng thông, rừng bần tiếp tục phát triển bảo vệ triền đê, đồng ruộng và còn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao. Không ngại khó, ngại khổ, đi đầu trong việc trồng rừng đã giúp cuộc sống gia đình ông sung túc lên. 

Ghi nhớ lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, mặc dù sức khỏe có giảm sút nhưng ông Tưởng vẫn phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, ngày đêm khai hoang mở đất, ươm hàng vạn cây thông, bần để trồng và bán cho các đoàn thể, địa phương khác. Để tiết kiệm chi phí, không phải mua cây giống ở nơi khác về trồng, nhiều năm qua ông Tưởng đã nghiên cứu đặc tính sinh học của cây ngập mặn, từ đó có các biện pháp ươm cây giống đạt tỷ lệ sống cao. 

Hiện nay, ông Tưởng đã đấu thầu hơn 20ha rừng trồng và phụ trách trông coi khoảng 160ha rừng ngập mặn của xã Đông Hoàng. Mỗi năm gia đình ông trồng, bán khoảng 6 vạn cây giống, lợi nhuận thu được khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 lao động. Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, thương binh Vũ Văn Tưởng vẫn phát huy truyền thống yêu nước, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần mẫn trồng, bảo vệ rừng mang lại màu xanh và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mạnh Thắng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày