Thứ 4, 13/11/2024, 05:30[GMT+7]

Chuyện ông Kha “cá lóc”

Thứ 3, 24/09/2019 | 15:22:29
3,879 lượt xem
Vùng đất ven sông Diêm, thuộc thôn Cam Đoài, xã Thụy Liên (Thái Thụy) trước đây là vùng chua trũng cấy lúa kém hiệu quả. Song giờ đây vùng đất này đã “chuyển mình” thay đổi một cách kỳ diệu, giúp người dân có thu nhập lên tới hàng tỷ đồng/ha. Chính quyền và nhân dân nơi đây đều khẳng định, người có công lớn tạo nên sợ đổi thay trên là ông Bùi Viết Kha, mà người dân quen gọi là Kha “cá lóc”.

Ông Kha cho cá ăn tại ao nuôi của gia trại.

Chúng tôi tìm gặp ông Kha vào cuối tháng 9, thời điểm ông vừa được tỉnh đề nghị tặng băng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với nông dân có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Tiếp chúng tôi là người đàn ông có dáng người đậm, nước da ngăm đen bởi sương nắng đậm chất nông dân. Không những lảng tránh câu hỏi của chúng tôi về việc được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng, ông còn tỏ ra ngần ngại không muốn chia sẻ thông tin về khởi nghiệp và thành công trong nuôi cá lóc của ông. Chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian trò chuyện với ông về những chuyện “trên trời, dưới đất”, cả những chuyện chả liên quan rồi cóp nhặt, ghép lại thành chuyện đời của ông Kha “cá lóc”. 

Câu chuyện được bắt đầu từ những ngày đầu tiên khi ông Kha mang con cá lóc từ tận Đồng Tháp về làng để nuôi. Cơ duyên đó là bởi ông Kha xuất thân từ gia đình thuần nông tại xã Thụy Liên với nghề chính là cấy lúa, trồng màu nên điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn, thiếu thốn. Năm 1995, ông quyết định xa gia đình vào Đồng Tháp học tập kinh nghiệm nuôi cá lóc. Năm 2007, nắm được khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm học được ông Kha quyết định trở về vùng đất chua trũng ven sông Diêm, thôn Cam Đoài quê hương ông để nuôi cá lóc. 

Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm với diện tích khoảng nửa sào ao ông gặp vô vàn khó khăn do cá chưa thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh nên bị chết nhiều. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cá khó khăn, mang ra chợ ở xã bán không ai mua vì người dân thấy loại cá này lạ, ăn không biết thế nào. Mặc dù vậy, kết thúc năm đầu tiên ông vẫn thu lãi gần 20 triệu đồng. 

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm,  mỗi lần cá bị bệnh, chết, ông Kha đều ghi chép tỉ mỉ triệu chứng, tìm tòi học hỏi để xác định nguyên nhân để  từ đó có biện pháp khắc phục. Thực tiễn nuôi cá giúp ông Kha nhận ra rằng, các yếu tố quan trọng quyết định đến sinh trưởng của cá lóc gồm: chất lượng con giống, môi trường nước và chất lượng thức ăn. Cùng với đó, ông tìm hiểu, truy cập các thông tin, tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định cho việc tiêu thụ cá.

Nhận thấy, vùng đất quê hương có tiềm năng, thế mạnh để nuôi cá lóc, những năm tiếp theo (từ năm 2008 đến nay), ông Kha đã mạnh dạn đầu tư lớn, chuyển đổi trên diện tích đất cơ bản của gia đình mình và thuê thêm một số diện tích lúa kém hiệu quả của những hộ liền kề bên bờ sông Diêm để mở rộng diện tích ao, đến nay lên tới 1,5 ha. Với 10 ao nuôi cá lóc lớn nhỏ, hàng năm, mô hình nuôi cá lóc của ông Kha cho sản lượng đạt từ 120 – 150 tấn, trừ chi phí thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Ao nuôi của ông tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. 

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, nhiều năm qua ông Kha còn hỗ trợ, giúp đỡ cho gần 20 hộ gia đình khác về vốn và khoa học kỹ thuật để phát triển, mở rộng trên 4 ha nuôi cá lóc bông, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động với thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng. Làm điều đó, bởi ông chỉ suy nghĩ rất mộc mạc, chân thành: Mình có của ăn, của để rồi thì nên nghĩ đến anh em, người làng, giúp đỡ họ để cùng phát triển, làm giàu. 

Chúng tôi hiểu chính cái suy nghĩ và việc làm đó của ông Kha khiến những người dân nơi đây đã nói với chúng tôi: Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, khi không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh thành tích, làm thì ít nói thì nhiều mà đâu đó vẫn còn những đức tính khiêm tốn không hám thành tích, khen thưởng, lại nhiệt thành giúp đỡ mọi người như ông Kha thì thật là đáng trân quý. Những người như ông Kha nói chuyện về nuôi cá lóc như thế nào cho ít bị bệnh, nhanh lớn, sản phẩm sạch, giá thành hạ sẽ dễ dàng hơn là nói về việc được khen thưởng.

 

Ông Vũ Thành Quang, Chủ tịch UBND xã Thụy Liên

Là người đầu tiên đưa nghề nuôi cá lóc về địa phương, ông Bùi Viết Kha có kỹ thuật, khả năng nuôi cá đạt năng suất cao nhất. Nhờ sự giúp đỡ của ông Kha đã có nhiều hộ dân trong xã nhân rộng mô hình nuôi cá lóc cho sản lượng cao. Hiện nay, sản lượng cá lóc của xã đạt từ 400- 500 tấn/năm, giá trị đạt từ 15- 20 tỷ đồng. Cá lóc đang trở thành con nuôi cho giá trị kinh tế cao tại địa phương nên xã đang lựa chọn cá lóc làm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, từ đó tạo nên thương hiệu và giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

 

 Ông Bùi Viết Đước, người dân xã Thụy Liên

Dù rất thành công với mô hình nuôi cá lóc nhưng ông Kha chẳng bao giờ giấu nghề mà chỉ bảo, hướng dẫn cho rất nhiều anh em người thân, làng xóm, trong đó có cả nhà tôi cùng nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế. Ngày tôi mới nuôi cá lóc được ông Kha hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, giúp đỡ về mặt con giống nhờ vậy giúp việc nuôi cá được thuận lợi hơn. Hiện nay, nhà tôi thực hiện nuôi cá lóc với diện tích 4 sào ao, sản lượng trung bình đạt hơn 40 tấn/năm, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. 


                                                          

 Phan Lợi- Trần Tuấn

 



  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày