Thứ 4, 13/11/2024, 06:45[GMT+7]

Dấu ấn "tam nông" (Kỳ 3)

Thứ 5, 18/10/2018 | 17:40:03
3,310 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với nội dung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tỉnh ta đã vươn lên trở thành điểm sáng trong cả nước. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Thái Bình hoàn thành xây dựng NTM trước năm 2020.

Đầu tư hệ thống giao thông nội đồng giúp Thái Thụy đưa cơ giới hóa vào để phục vụ sản xuất.

KỲ 3: SỨC SỐNG MỚI TỪ NÔNG THÔN MỚI

.Đột phá từ cơ sở hạ tầng

Về xã Bình Định, huyện Kiến Xương đi dọc trên các con đường được bê tông hóa, hoa khoe sắc đỏ thắm, đồng nghiệp đi cùng tôi xuýt xoa "làng ngỡ phố”. 

Trao đổi về sự "thay da đổi thịt” của xã nhà, ông Đinh Công Mấn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Định cho biết: Bình Định xác định xây dựng NTM là thời cơ để địa phương bứt phá đi lên và đặt quyết tâm phấn đấu về đích trước năm 2015. Đảng ủy xã ban hành các nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá như: dồn điền đổi thửa, vận động nhân dân góp quỹ xây dựng NTM, hiến đất làm đường giao thông nội đồng, mở rộng và cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn trong toàn xã… Địa phương cũng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy rõ xây dựng NTM là mang lại lợi ích thiết thực cho chính mình; phát huy tối đa dân chủ trong quá trình thực hiện, công khai, minh bạch về tài chính, phát huy trách nhiệm của những người hưởng lợi trực tiếp. Kết quả, xã đã huy động được 107,841 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp 35,076 tỷ đồng. Năm 2013, Bình Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trước 2 năm so với kế hoạch. 

Chị Trần Thị Chín, thôn Ái Quốc hồ hởi khoe: Xây dựng NTM chúng tôi coi là nhiệm vụ của chính mình. Vui nhất là người dân có đường lớn để đi, các công trình phúc lợi khang trang và chất lượng đời sống không ngừng cải thiện và nâng lên.

Làm đường giao thông ở xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng

Giống như Bình Định, trong xây dựng NTM xã Đông Phương, huyện Đông Hưng đã thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2011 đến 2017, toàn xã huy động được 121,8 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp 24,5 tỷ đồng. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, tháng 6/2014, Đông Phương đã về đích NTM. Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, xã tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Đông Phương cho biết: Giai đoạn 2011 - 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã là 15,8%; năm 2017, cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 32,5%, công nghiệp - xây dựng 51%, dịch vụ - thương mại 16,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,8 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chú trọng chỉnh trang diện mạo nông thôn và làm tốt công tác bảo vệ môi trường, Đông Phương đang thực sự là một miền quê hội tụ các yếu tố "không khí vui vẻ, môi trường sạch sẽ, cảnh quan đẹp, cuộc sống bình yên”.

Xã Đông Phương, huyện Đông Hưng thu hút nghề may về địa phương tạo việc làm cho nhiều lao động

Không chỉ ở Bình Định, Đông Phương mà phong trào thi đua xây dựng NTM ở Thái Bình lan tỏa khắp các vùng quê, ăn sâu vào nếp nghĩ, là trách nhiệm của từng người dân, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Chưa bao giờ Thái Bình huy động được nguồn lực lớn làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn như hiện nay. Nhân dân đã đóng góp tiền mặt và hiện vật quy thành tiền 9.677,6 tỷ đồng (chiếm 26,3% tổng nguồn vốn xây dựng NTM); góp trên 100 triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến trên 2.200ha đất để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi. Con em Thái Bình ở khắp mọi miền Tổ quốc hướng về quê hương ủng hộ 181,2 tỷ đồng xây dựng NTM. Nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã tạo nên "quả ngọt” và làm "thay da đổi thịt” các vùng quê theo hướng văn minh, hiện đại.

Tích tụ ruộng đất tạo điều kiện đưa máy móc hiện đại vào sản xuất trên đồng ruộng huyện Kiến Xương

Tỉnh đã cấp hỗ trợ cho các địa phương 1.281.854 tấn xi măng đã "kích cầu” để các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, phục vụ tốt đời sống dân sinh. Toàn tỉnh đã cứng hóa 1.142km kênh mương cấp 1 loại 3 (đạt 62%) và nạo vét hàng nghìn ki-lô-mét sông ngòi; xây dựng và nâng cấp: 3.539km đường giao thông nội đồng (đạt 74%); 1.053,47km đường trục xã (đạt 78%); 1.887,03km đường trục thôn (đạt 85,53%); 2.976,35km đường nhánh cấp 1 trục thôn (đạt 91%); 2.141km đường ngõ xóm; 28 trạm bơm, 248 cống đập; xây dựng 140 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; 35 nhà văn hóa xã; 926 nhà văn hóa thôn; 178 trạm y tế; 126 chợ; 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn; 206 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; 62 sân thể thao xã; 88 sân thể thao thôn. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình nước sạch nông thôn. Kết quả, 59 dự án nước sạch được đầu tư xây dựng, cung cấp nước sạch cho 100% số xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Huyện Thái Thụy đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển

  • Thái Bình đã có 200/265 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới (đạt tỷ lệ 75,47%) và huyện Hưng Hà đạt chuẩn quốc gia NTM; số tiêu chí đạt bình quân là 17,72 tiêu chí/xã (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW về số xã đạt chuẩn quốc gia về NTM.
  • Tỷ lệ hộ dân nông thôn đấu nối, sử dụng nước sạch đạt trên 94%.
  • 33/65 xã chưa về đích đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019.


Nâng cao đời sống cho nông dân

Ông Trần Huy Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 10 năm qua, tỉnh ta ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế nông thôn nhanh và bền vững. Giai đoạn 2008 - 2017, tổng nguồn vốn huy động, phân bổ cho nông nghiệp, nông thôn đạt 36.799 tỷ đồng, bình quân 3.680 tỷ đồng/năm. Cùng với phát triển lực lượng sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển đa dạng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, kinh tế hộ phát triển theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa ngành nghề. Nhiều hộ đã chuyển sang phát triển sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Ở nhiều địa phương đã xây dựng thành công các mô hình: cánh đồng mẫu lớn, chuỗi sản xuất, thương mại chế biến và phân phối sản phẩm khép kín, mô hình tổ hợp tác kiểu mới, các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã.

Bộ mặt nông thôn mới ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ ngày càng khang trang

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, những năm qua, Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển sản xuất để "không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong 10 năm 2008-2017, các tổ chức tín dụng đã cho 129.280 lượt hộ nghèo vay 1.143,4 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 19.772 lao động, hỗ trợ việc làm cho 28 .198 lao động, hỗ trợ 10.036 học sinh nghèo vay vốn, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 1,7 triệu lượt người nghèo, miễn giảm học phí cho trên 80.000 học sinh nghèo, trợ cấp thường xuyên cho 44.980 người nghèo... Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2017 giảm còn 25.349 hộ, chiếm tỷ lệ 4,01%, giảm 6,29% so với năm 2008. Năm 2017, bình quân thu nhập chung khu vực nông thôn đạt 37 triệu đồng/người, tăng 3,88 lần so với năm 2008.

Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) dạy nghề sữa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn

Kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Thái Bình giai đoạn vừa qua rất trân trọng, tự hào. Điều đó, phản ánh sinh động, chân thực sự hòa quyện của "Ý Đảng - lòng dân”. Tin tưởng rằng với truyền thống của quê hương cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, để nông thôn Thái Bình có "Sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh và quản lý dân chủ”.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng thôn Trần Phú, xã Bình Định, huyện Kiến Xương

Người dân thôn Trần Phú nhận thức rất rõ xây dựng NTM là để cuộc sống của mình sung túc hơn nên tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, hiến đất, góp công, góp của xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, đường giao thông, các công trình phúc lợi công cộng. Từ năm 2010, thực hiện chủ trương của xã về xây dựng NTM, thôn đã tiến hành họp với nhân dân triển khai nghị quyết của cấp trên, của chi bộ. Thôn đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa từ rất sớm. Nhân dân đã đóng góp trên 1,285 tỷ đồng, con em xa quê ủng hộ 175 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, Trần Phú đã làm được 1,2km đường liên thôn rộng 4,1m, trên 5,928km đường cấp 1 và 1,791km đường nội đồng, công trình nhà văn hóa thôn và làm 3 cầu.. phục vụ đời sống dân sinh.

 
Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương 

Trong xây dựng NTM, các địa phương ở Kiến Xương đã chủ động phát huy nội lực, lấy sức dân để chăm lo cho dân với nhiều cách làm sáng tạo. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đến nay, bình quân các xã trong huyện đạt 17,5 tiêu chí/xã, 28/35 xã đã được công nhận về đích NTM. Trong đó 2 xã Thanh Tân và Bình Định là những điển hình, vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều đoàn tới thăm, học tập kinh nghiệm.

Ông Phạm Văn Quân, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư  


Cuộc sống của người dân giờ đây sướng gấp trăm, gấp vạn lần trước kia đó là thành quả của công cuộc đổi mới, của xây dựng NTM. Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội mỗi khi mưa đến đã thay bằng những con đường rộng lớn, trải nhựa, bê tông, ô tô vào tận sân nhà, nước sạch đến từng hộ gia đình, các dịch vụ hàng hóa phục vụ tận nơi. Nông thôn giờ cũng văn minh không kém gì thành thị.

 

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên