Thứ 4, 13/11/2024, 05:26[GMT+7]

Giao thông nông thôn - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội (Kỳ 3)

Thứ 4, 01/04/2020 | 09:09:32
1,844 lượt xem
Đến nay, khu vực nông thôn ở Thái Bình đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của người dân.

Người dân xã Thụy Duyên (Thái Thụy) làm đường giao thông nội đồng.

Kỳ 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Đông Phương (Đông Hưng) cho biết: Đến tháng 6/2019, UBND xã đã hoàn thành xây dựng 100% tuyến đường với tổng chiều dài trên 40km, trong đó có 3,4km đường trục xã, hơn 6km đường trục thôn, hơn 16km đường nhánh cấp I, 15,3km đường ngõ xóm và gần 10km đường nội đồng. Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng xong 9,5/9,5km kênh mương, xây dựng chợ trung tâm với diện tích 7.000m2, sân thể thao xã rộng 10.000m2; các công trình khác như trường học, hồ sinh thái, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, 7/7 nhà văn hóa thôn cũng đã được xây dựng đồng bộ. Tổng kinh phí xây dựng NTM lũy kế từ năm 2011 đến năm 2018 là 121,1 tỷ đồng. Trong đó, có 2,5 tỷ đồng từ con em xa quê và 24,5 tỷ đồng của nhân dân đóng góp. Đến hết tháng 10/2016, UBND xã đã thanh toán xong công nợ trong xây dựng cơ bản. Sau thanh toán công nợ, địa phương đã tiếp tục đầu tư xây dựng 10 phòng học và các công trình phụ trợ của Trường Tiểu học Đông Phương với tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng; công trình trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng; công trình kè sông trục xã với tổng mức đầu tư 9,5 tỷ đồng. Tất cả những công trình trên đều bố trí đủ nguồn vốn để chi trả cho nhà thầu, một số công trình đã thanh toán xong. Đến hết năm 2019, qua rà soát địa phương đã hoàn thành 11/11 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu năm 2020 đạt xã NTM kiểu mẫu.

Đã từ lâu, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) được biết đến là vùng chuyên canh rau màu lớn ở Thái Bình. Mỗi năm, vùng chuyên canh rau màu của Quỳnh Hải sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng nghìn tấn rau màu các loại. Nhờ trồng rau màu quanh năm mà đời sống của bà con nơi đây đã không ngừng nâng cao. 

Ông Nguyễn Quang Tuấn, thôn An Phú 2, xã Quỳnh Hải cho biết: Trước kia, hạ tầng giao thông nông thôn của xã chủ yếu là đường đất, một số tuyến đã được người dân tự cứng hóa bằng bê tông nhưng nhỏ hẹp, không đồng bộ khiến cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được dự họp, nghe triển khai chủ trương làm đường, người dân trong thôn, xóm đều đồng tình ủng hộ. Nhiều người tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng dậu, công trình phụ hiến đất làm đường cho bà con đi lại thuận lợi. Đối với các tuyến đường giao thông nội đồng, địa phương huy động đóng góp theo từng đoạn, làm từ xa đến gần.

Nhờ đó mà đến nay xã Quỳnh Hải đã khoác lên mình diện mạo mới bởi những con đường giao thông mang lại. Các trục đường thôn, ngõ nay đều đã được bê tông hóa phẳng phiu, giúp người dân đi lại thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế -  xã hội. Đó là kết quả của phong trào chung sức xây dựng NTM. 

Ông Đỗ Công Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải cho biết: Từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, địa phương đã ưu tiên nguồn vốn cho giao thông nông thôn, bởi chỉ có giao thông thuận lợi thì mới thúc đẩy kinh tế - xã hội đi lên, đời sống nhân dân mới được cải thiện. Từ năm 2012 xã Quỳnh Hải đã được tiếp nhận nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư, mở rộng các tuyến đường trong xã. Để thực hiện hiệu quả, địa phương đã thống nhất các bước thực hiện từ dễ đến khó, bằng cách ưu tiên đầu tư các đoạn đường ít vướng mắc về mặt bằng, ruộng vườn của người dân sẽ triển khai trước. Đến năm 2015, Quỳnh Hải đã tiếp nhận được 3.613 tấn xi măng của UBND tỉnh, cứng hóa được 10,1km đường nội đồng, 9km đường trục thôn, 9,7km đường nhánh cấp I và 4,6km đường ngõ xóm với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Hiện UBND xã đang tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường trục xã dài khoảng 2km với tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Với phương châm tỉnh hỗ trợ xi măng, ngân sách cấp huyện, cấp xã và nhân dân mua vật liệu, huy động đóng góp ngày công lao động để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã cứng hóa 1.275,51km kênh mương cấp I loại 3 và nạo vét hàng nghìn ki-lô-mét sông ngòi; xây dựng và nâng cấp 3.780,58km đường giao thông nội đồng, 1.090,22km đường trục xã, 1.910,93km đường trục thôn, 3.192,17km đường nhánh cấp I trục thôn, 2.215km đường ngõ xóm... Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường, tạo diện mạo mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp. Hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới điện, trạm bơm, cống đập, chợ, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trạm cấp nước sạch... được tập trung đầu tư xây dựng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Bên cạnh việc duy trì chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, ngày 21/9/2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2376/QĐ-UBND hỗ trợ xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù giai đoạn 2018 - 2020.

Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng vững chắc để Thái Bình tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Đồng thời là động lực để Thái Bình tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.           

Phạm Hưng 

(Tiếp theo và hết)