Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Hiện đại hóa hệ thống giao thông

Thứ 6, 10/04/2020 | 09:08:40
3,938 lượt xem
Những năm qua, ngành Giao thông Vận tải Thái Bình đã có nhiều đổi mới, phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần làm cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn ngày một khang trang, hiện đại. Hiện nay, hiện đại hóa hệ thống giao thông đang là mục tiêu quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Thi công đường 221A.

Trang sử hào hùng

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ty Công chính Thái Bình cũng được thành lập trong năm này, làm nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh các chủ trương, biện pháp quản lý cầu, cống, đường sá, đê điều, sông ngòi... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng, ngành Giao thông Vận tải Thái Bình đã sớm vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ” vào hoạt động của ngành, tạo nên mặt trận giao thông vận tải rộng khắp, dựa vào sức dân là chính, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến” hàng trăm ki-lô-mét đường ô tô, hàng nghìn mét cầu các loại. Ngành Giao thông Vận tải Thái Bình đã cùng với quân, dân cả nước vừa đánh giặc vừa bảo đảm giao thông, vận tải phục vụ chiến đấu và đời sống nhân dân.

Thi công đường ĐH.91 qua địa phận xã Thái Dương (Thái Thụy).


Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiệm vụ lớn nhất của ngành Giao thông Vận tải là khôi phục hệ thống giao thông đã bị hư hỏng để phục vụ phát triển kinh tế miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Với quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trên các tuyến đường, tuyến sông, bến cảng luôn vang lên khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến”; cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông Vận tải đã sáng tạo ra nhiều cách vượt sông bằng cầu phao luồng, cầu phao gỗ, phao sắt, phà; đồng thời, mở thêm các tuyến đường tránh... Hàng nghìn cán bộ, công nhân viên của ngành đã làm việc trên các tuyến đường trong lúc bom rơi, đạn nổ; anh em lái phà, lái ca nô, lái tàu thuyền, lái xe vượt qua mưa bom bão đạn, thủy lôi của địch, quyết tâm đưa từng cân hàng ra tiền tuyến. Hàng trăm cán bộ, công nhân viên đã ngã xuống để giữ cho mạch máu giao thông thông suốt, liên tục.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, hàng triệu mét khối đất, đá được đào đắp, vận chuyển để xây dựng cơ sở hạ tầng; đưa hàng chục nghìn người dân đến vùng kinh tế mới, biến những vùng đất cằn cỗi trở nên trù phú; hàng trăm cây cầu lớn nhỏ được xây dựng, tu sửa, nâng cấp, đưa vào khai thác, sử dụng. Bên cạnh đó, ngành Giao thông Vận tải cũng đã nhanh chóng ứng dụng và bước đầu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, đầu tư đóng mới phương tiện vận tải...

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống dân sinh.


Khẳng định vai trò “Đi trước mở đường”

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Giao thông Vận tải Thái Bình đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, đưa Thái Bình thoát khỏi thế ốc đảo; mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn được đổi mới toàn diện. Các công trình trọng điểm như cầu Thái Bình, cầu Triều Dương, cầu Tân Đệ, cầu Nguyễn, cầu Hòa Bình, cầu Trà Lý, cầu Độc Lập, cầu Trà Giang, cầu Trà Linh, cầu Diêm Điền, cầu Tịnh Xuyên, cầu Thái Hà, cầu La Tiến... cùng các tuyến đường được xây dựng với chất lượng cao và đưa vào khai thác đã phát huy tối đa hiệu quả. Năng lực vận tải được nâng cao với sự ra đời của nhiều loại hình vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân. Công nghiệp giao thông từng bước được củng cố, duy trì tốt hoạt động sửa chữa phương tiện vận tải thủy, bộ; đóng mới tàu, phà sông, biển có trọng tải lớn... Công tác quản lý nhà nước không ngừng được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả theo hướng cải cách, đổi mới và chủ động.

Đồng chí Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Hệ thống giao thông phát triển đã mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế - xã hội, đón các nhà đầu tư, tạo ra những cơ hội, tạo thế và lực mới cho sự phát triển của Thái Bình. Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, ngành Giao thông Vận tải Thái Bình đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, nâng cao chất lượng công trình, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm qua, mạng lưới giao thông của Thái Bình đã không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại; nhiều công trình, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra. Hiện nay, một số công trình giao thông trọng điểm của tỉnh đang tiếp tục được đầu tư xây dựng như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và dự án cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng an ninh ven biển phía Nam tỉnh (đường 221A)... Những công trình trên khi hoàn thành sẽ tạo thành hệ thống giao thông đối ngoại cơ bản hoàn chỉnh, tăng khả năng kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố lân cận. Cùng với giao thông đường bộ, phát triển giao thông đường thủy nội địa cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Trong tương lai, hệ thống giao thông đường thủy sẽ kết nối với các phương thức vận tải khác, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Phát huy truyền thống “Đi trước mở đường”, thời gian tới, ngành Giao thông Vận tải Thái Bình sẽ tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo lập vị thế cho Thái Bình trong thời kỳ hội nhập.


Phạm Hưng