Thứ 6, 15/11/2024, 08:55[GMT+7]

13.901 xe vi phạm quá tải trọng trong năm 2020

Thứ 2, 14/12/2020 | 17:46:24
1,139 lượt xem
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ riêng năm 2020, 123.949 xe đã được kiểm tra, 13.901 xe vi phạm quá tải trọng, số tiền phạt là hơn 154,92 tỷ đồng, tước 10.913 GPLX.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT và Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã sử dụng cân xách tay tiến hành kiểm tra 1.387.939 xe, trong đó có 126.376 xe vi phạm, tước 44.873 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 1.232 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, các trạm lưu động, lực lượng chức năng sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 123.949 xe, trong đó có 13.901 xe vi phạm, tước 10.913 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 154,92 tỷ đồng.

Về lĩnh vực đường sắt, các đơn vị chức năng ngành đường sắt đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã tổ chức 117 lượt cân kiểm tra tải trọng toa xe với 1.698 toa xe được cân (riêng năm 2020 đã tổ chức 21 lượt cân với 397 toa xe), qua kiểm tra không phát hiện toa xe quá tải theo quy định.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, giai đoạn 2014 - 2015, khi kiểm soát tốt xe quá tải, vi phạm giảm rất sâu nhưng từ năm 2016 đến nay không có nhiều chuyển biến so với năm 2015. Vi phạm chở quá tải tái diễn trở lại ở nhiều tỉnh, thành mà không bị xử lý, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng. Tuy chúng ta đã có nỗ lực lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng nhưng không kịp so với tốc độ tăng trưởng phương tiện, dẫn đến ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều thành phố lớn. Nguyên nhân là do nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT.

Bên cạnh đó, việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Nghị định 86, Luật Giao thông đường bộ dẫn đến kém hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, trong tuần tra kiểm soát còn thủ công và xuê xoa trong xử lý vi phạm, thậm chí tiêu cực. Đồng thời, tuy có ứng dụng công nghệ trong đảm bảo ATGT nhưng vẫn còn hạn chế. Việc thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về ATGT còn manh mún.

Trước tình hình xe vi phạm tải trọng diễn biến phức tạp, nhất là về cuối năm, đại diện Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư Dự án xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ thuộc địa bàn thành phố trong đó có Hà Nội là cần thiết và cấp bách nhằm kiểm soát có hiệu quả tình trạng phương tiện chở hàng quá tải.

Theo vtv.vn