Thứ 7, 16/11/2024, 01:56[GMT+7]

Hạ tầng giao thông: Động lực phát triển

Thứ 7, 01/01/2022 | 09:06:00
5,513 lượt xem
Ưu tiên xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực là một trong ba đột phá phát triển được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Công trình cầu sông Hồng thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngành Giao thông Vận tải đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có tác động quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình và một số tuyến giao thông quan trọng khác; tham mưu, phối hợp với các ngành chức năng tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư để thực hiện các dự án: đường Thái Bình - Hà Nam (giai đoạn 2); đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình; khu cảng biển Ba Lạt...

Đầu năm 2021, dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn được khởi công với tổng mức đầu tư 2.586 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 10 đoạn từ cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh S1; tăng cường lưu thông giữa các tỉnh Nam Định, Thái Bình, thành phố Hải Phòng và các địa phương có quốc lộ 10 đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tạo ra không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, góp phần thúc đẩy đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

Để Khu kinh tế Thái Bình với quy mô 30.583ha tại khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải sớm đi vào hoạt động, tỉnh đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối khu vực ven biển. Trong đó, tỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh với tổng nhu cầu vốn đầu tư gần 10.500 tỷ đồng. Tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ tạo ra hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tại Khu kinh tế phát triển.

Thái Bình ưu tiên xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ.

Ông Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Mặc dù đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung nhiều tuyến đường huyết mạch trong tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, các tuyến đường mang tính kết nối vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có các tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành Giao thông Vận tải tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các công trình giao thông kết nối với các tỉnh, bảo đảm việc kết nối với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2021, nhiều dự án trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo thành những “điểm nghẽn” cho phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, xây dựng quyết tâm mới, giải quyết những phức tạp trong công tác GPMB đang phát sinh, tạo sự nhất quán trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác GPMB và có hành động đúng trong giải quyết khó khăn, tồn tại, trở ngại về GPMB. 

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GPMB trong đầu tư, xây dựng các tuyến đường, các dự án trọng điểm của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ những vướng mắc trong GPMB. Đến nay, cơ bản công tác GPMB tại các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, đường 221A... đã cơ bản hoàn thành, đơn vị thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng cam kết.

Mặc dù việc thi công các dự án bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 song Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã và đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, “điểm nghẽn” trong công tác quy hoạch, bồi thường GPMB, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình; quy hoạch chi tiết tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cồn Vành; đồng thời, tham mưu quản lý tốt quy hoạch và việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tạo sự kết nối vùng, động lực cho kinh tế - xã hội phát triển. Những công trình trên khi hoàn thành sẽ tạo thành hệ thống giao thông đối ngoại cơ bản hoàn chỉnh, tăng khả năng kết nối Thái Bình với các tỉnh, thành phố lân cận. 

Đường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thái Bình).

Ông Đặng Văn Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Trong những năm qua, hạ tầng giao thông trong tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh.

Ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình đã từng được coi như một ốc đảo, khó khăn trong thông thương và đi lại. Thế nhưng, với chiến lược phát triển hệ thống giao thông cùng chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, bước sang năm 2022, Thái Bình sẵn sàng đón những nhà đầu tư mới, có những bứt phá để phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, qua đó thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài trên 9.300km, trong đó quốc lộ 151km với 4 tuyến, đường tỉnh 323km với 34 tuyến, còn lại là đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng; hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.

Đường Kỳ Đồng kéo dài góp phần nâng cao năng lực vận tải, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh Thái Bình.

Nguyễn Thơi