Thứ 7, 23/11/2024, 21:43[GMT+7]

Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Thứ 5, 07/04/2022 | 08:25:01
2,527 lượt xem
Hiện nay, các lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, qua đó góp phần nâng cao ý thức của các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông trong việc bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động bến phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương).

Bến phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) giáp với thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy (Nam Định) thường xuyên có lượng khách đi, về khá đông do nhu cầu đi lại, giao thương giữa hai vùng đã có từ lâu đời. Bình quân mỗi ngày có khoảng trên 500 lượt người, phương tiện qua phà. Ông Bùi Văn Lâm, bến trưởng bến phà Cồn Nhất cho biết: Xác định giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất ngờ, do đó trong quá trình vận hành, khai thác bến phà, ngoài việc kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện định kỳ, trước mỗi mùa mưa bão chúng tôi đều tăng cường công tác kiểm tra, cũng như bảo đảm các trang thiết bị an toàn như phao cứu sinh, các thiết bị cứu hộ khác; chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, không chở quá tải trọng cho phép, không sử dụng phương tiện chưa đăng kiểm, hết hạn đăng kiểm để chở khách...

Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thái Bình là tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy dày đặc với trên 80 bến đò ngang đang hoạt động với số lượng hành khách qua lại đông trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý. Hệ thống giao thông đường thủy nội địa của tỉnh được đánh giá khá phức tạp, nhất là trong thời điểm mưa lũ làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải, ngay từ đầu năm Thanh tra Sở đã chủ động phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng, công an các huyện kiểm tra bến đò, phương tiện, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Sau khi kiểm tra 70 bến đò với 70 phương tiện trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong tỉnh, có đến 24 bến đò không đủ điều kiện hoạt động chở khách ngang sông. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi đủ điều kiện hoạt động. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng cũng kiên quyết lập biên bản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như: phương tiện không bảo đảm an toàn, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền tới các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tuyệt đối không chở quá số người quy định, yêu cầu hành khách khi đi đò phải mặc áo phao hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi theo quy định nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra.

Trung tá Đỗ Ngọc Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh nhấn mạnh: Đa số chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy, tuy nhiên một số nơi, ý thức của người tham gia giao thông đường thủy còn hạn chế. Nhiều người chủ quan không mặc áo phao. Một số chủ phương tiện, chủ bến khách ngang sông chưa đáp ứng được các điều kiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đường thủy hoặc vì lợi nhuận kinh doanh mà có hành vi vi phạm ATGT đường thủy như chở hàng quá tải trọng, số người quy định. Ngoài ra, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, phao cứu sinh còn hạn chế cũng như không chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện... đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo công an các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy; thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương có tuyến đường thủy tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở; đồng thời hướng dẫn cho chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.

Đại úy Đoàn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy thành phố Thái Bình cho biết: Để bảo đảm tuyệt đối an toàn trong mùa mưa bão, đơn vị đã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông như chở quá số người, không hướng dẫn và sắp xếp hành khách mặc áo phao, dụng cụ nổi đúng quy định... Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm. Qua đó đánh giá kết quả, hiệu quả cũng như những hạn chế, đề xuất hình thức vận động xây dựng văn hóa giao thông đường thủy phù hợp.

Hoạt động tại bến phà Cồn Nhì, xã Hồng Tiến (Kiến Xương).

Nguyễn Thơi