Thứ 7, 23/11/2024, 10:25[GMT+7]

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Thứ 6, 26/04/2024 | 22:49:00
3,149 lượt xem
Thời gian qua, với việc thường xuyên triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ít đơn vị, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận cố tình vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, để tiếp tục quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ngay từ thời điểm đầu năm 2024 các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, nỗ lực chấn chỉnh có hiệu quả đối với lĩnh vực này...

Lực lượng liên ngành tuần tra, kiểm soát tải trọng tại khu vực cầu Hiệp (Quỳnh Phụ).

Mới đây nhất, ngày 2/4/2024, UBND tỉnh ban hành công văn số 1171/UBND-CTXDGT về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Giao thông Vận tải tổ chức rà soát lại toàn bộ quy trình, hồ sơ, thủ tục công tác cấp phù hiệu cho xe kinh doanh vận tải theo đúng quy định của pháp luật; trên cơ sở đó kịp thời chấn chỉnh, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về an toàn giao thông (ATGT), tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, đón trả khách không đúng nơi quy định, xe chạy không đúng luồng tuyến, lịch trình, không dán đầy đủ thông tin trên phương tiện theo quy định... gây mất trật tự, ATGT trên địa bàn, đặc biệt là tại thành phố Thái Bình. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, Thanh tra Sở đã xây dựng kế hoạch chuyên đề, phối hợp với công an các huyện, thành phố và Phòng Cảnh sát giao thông (PC08), Công an tỉnh để kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Mục đích của kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vận tải, điều kiện kinh doanh vận tải, trật tự ATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của lái xe, chủ xe; tăng cường sự phối hợp của các lực lượng để kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển, chủ phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật, từ đó ngăn chặn các hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, quản lý chặt chẽ kỷ cương, kỷ luật vận tải theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về trật tự ATGT nói chung, quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa nói riêng. Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, sau hơn 1 tháng triển khai kế hoạch chuyên đề phối hợp với PC08 và công an các huyện: Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, các tổ công tác đã lập biên bản xử lý 27 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa; xử phạt hành chính với số tiền gần 150 triệu đồng. 

Đại úy Phạm Huy Định, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Quỳnh Phụ cho biết: Về vận tải hành khách, chúng tôi tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm như: xe vận tải khách không gắn phù hiệu; xe chạy hợp đồng không đúng quy định (xe trá hình); xe chạy hợp đồng, xe kinh doanh vận tải khách du lịch chở không đúng đối tượng theo hợp đồng; xe chạy trái luồng tuyến; dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định... Đối với vận tải hàng hóa, chúng tôi bố trí lực lượng, khép kín thời gian, căn cứ vào khảo sát trên tuyến, địa bàn để tổ chức xử lý vi phạm về tải trọng đạt hiệu quả nhất, mang tính chất răn đe các trường hợp vi phạm. Trong đó, chú trọng đến các địa bàn trọng điểm, thường xuyên có xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hoạt động, các tuyến vận tải hàng hóa từ các kho, cảng, bến bãi, các dự án san lấp mặt bằng thi công cầu, đường, khu đô thị, các khu vực khai thác khoáng sản, mỏ cát, trạm trộn bê tông... 

Anh Nguyễn Văn Tuyên, lái xe ở huyện Kinh Môn (Hải Dương) cho biết: Chúng tôi nhiều lần được lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Thái Bình tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa như: các hành vi vi phạm quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải đường bộ... Do đó, trong quá trình lưu thông trên đường, chúng tôi luôn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự ATGT để bảo đảm an toàn cho bản thân và xã hội. 

Thời gian tới, lực lượng chức năng toàn tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải. Qua đó giúp các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. 

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, toàn tỉnh hiện có 1.073 đơn vị kinh doanh vận tải với 5.855 phương tiện ô tô kinh doanh vận tải; trong đó có 2.058 phương tiện vận tải khách, 3.797 phương tiện vận tải hàng hóa.


Lực lượng liên ngành tuần tra, xử lý vi phạm với các phương tiện vận tải khách. 

Nguyễn Thơi