Thứ 7, 23/11/2024, 23:12[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về đề nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Thứ 6, 02/11/2018 | 15:09:05
6,020 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, buổi sáng ngày 2/11 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ Hiến pháp năm 2013 và Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Hiệp định CPTPP gồm 07 Điều và 01 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã được 12 nước ký ngày 06/02/2016 tại New Zealand cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP. Về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến chương sở hữu trí tuệ, chương mua sắm của Chính phủ, chương quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng, để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

Ngay sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này. 

Tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 6 cùng với các Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau, Quảng Ninh, Hậu Giang; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã phát biểu ý kiến nhất trí với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cho rằng: việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhận định hiện nay sự chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn và cho rằng mặc dù Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro, thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin. Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện. 

Đồng thời các đại biểu cũng tham gia đề xuất một số giải pháp liên quan khi Việt Nam tham gia CPTPP như: cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về các nội dung quy định của Hiệp định đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm có chương trình hành động cụ thể để phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong đó đẩy nhanh việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, quỹ hỗ trợ đồng thời sớm đề xuất việc sửa đổi hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan để phù hợp với các điều ước đã quy định trong Hiệp định;…

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)