Thứ 7, 23/11/2024, 19:55[GMT+7]

Đặc sản Đồng Bằng

Thứ 3, 13/11/2018 | 09:15:00
3,057 lượt xem
Nói đến sản phẩm cơm cháy, người ta hay nghĩ đến một đặc sản của Ninh Bình hay những tỉnh miền Nam xa xôi. Nhưng ngay trên vùng đất cổ xã An Lễ (Quỳnh Phụ), chàng trai trẻ Phạm Hữu Mạnh bằng tình yêu thiết tha với hạt gạo đã làm nên sản phẩm cơm cháy mang thương hiệu Đồng Bằng.

Doanh nhân Phạm Hữu Mạnh kiểm tra chất lượng sản phẩm cơm cháy.

Bố mất sớm, ba mẹ con nương tựa nhau trang trải cuộc sống, từ những ngày ấu thơ, trong suy nghĩ của Phạm Hữu Mạnh đã có phần chín chắn hơn bạn bè cùng trang lứa khi anh mong muốn làm được một điều gì đó gắn với quê hương để có cuộc sống đủ đầy.

Học xong cấp 3, Mạnh đi bộ đội, sau khi ra quân, anh làm đủ nghề nhưng vẫn cố theo học Trường Cao đẳng Kinh tế Thái Bình. Với kiến thức tích lũy được, những nghĩ suy của ngày thơ bé khiến anh có trăn trở nhưng chưa thấy hướng đi. Ấn tượng về những ngày khó khăn, mùi thơm ngát hương của bát cơm nếp được nấu từ hạt gạo Tam Xuân đã thôi thúc Mạnh thử nghiệm tìm tòi từ chính đồng đất quê nhà.

Hạt gạo nếp Tam Xuân trên vùng đất An Lễ được bà con nông dân trồng 2 vụ/năm, đây là gạo sạch, mỗi nhà chỉ cấy 1 – 2 sào để lấy gạo để giành ăn trong các dịp lễ, tết, gạo nấu có vị ngon đặc trưng, nhưng giá thành rất rẻ.

Câu hỏi sao không bắt đầu từ gạo Tam Xuân giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, tại sao Ninh Bình làm được cơm cháy mà mình không làm được, sao không làm sản phẩm gắn với du lịch tâm linh ở địa phương… cứ quanh quẩn trong đầu. Phạm Hữu Mạnh tìm mua các sản phẩm cơm cháy mọi vùng miền trong nước như Ninh Bình, Hải Phòng, Sài Gòn… mang về ăn thử, so sánh, tìm hương vị.

 Không ở đâu dạy làm hay chuyển giao công nghệ, Mạnh lại tìm hiểu qua mạng Internet, tự mày mò… với khát vọng tìm ra được một sản phẩm cơm cháy có hương vị riêng biệt khác hẳn các loại đang phổ biến trên thị trường. Người ăn phải cảm nhận được vị thơm, ngọt của hạt gạo, độ ngậy, giòn của sản phẩm và đặc biệt sản phẩm không sử dụng chất bảo quản, bột nở… bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cầm trên tay miếng cơm cháy mang thương hiệu Đồng Bằng do chính tay Phạm Hữu Mạnh làm ra không nghĩ rằng để có được thành quả này anh và gia đình đã đổ biết bao công sức, thời gian và tiền bạc.

Ấp ủ của anh khi được chia sẻ đã nhanh chóng bị phản đối, nhưng bằng quyết tâm của mình, Mạnh đã thuyết phục được gia đình cùng chung tay với anh.

Những thử nghiệm được tiến hành từ cách tưởng chừng như thủ công nhất như giữa trời nắng tháng 6, Phạm Hữu Mạnh đồ xôi và mang ra ngoài trời phơi… đến cho cơm vào chảo dầu rán, cho lên bếp củi sấy… mỗi lần thất bại, chị Phạm Thị Nhung vợ anh lại an ủi động viên chồng rồi lặng lẽ thu nhặt những gì còn ăn được để nhà dùng tiếp.

Thất bại liên tiếp như dẫn lối vào bế tắc càng làm Mạnh thêm quyết tâm phải làm bằng được sản phẩm. Trời không phụ công người có lòng đam mê, sau 2 năm kiên trì với nhiều lần xôi hỏng bỏng không, đầu năm 2016, mẻ cơm cháy hoàn chỉnh đầu tiên ra đời.

Tận hưởng thành quả lao động của mình, hai vợ chồng anh như bật khóc vì nghĩ đến những bữa cơm ăn nếp triền miên, mấy tạ gạo Tam Xuân như bỏ đi sau những lần thất bại, nghĩ đến những ngày khó khăn khi chị Nhung nghỉ làm ở công ty, chăm con ốm, nhưng vẫn chắt chiu những đồng tiền cuối cùng dành để anh mua máy thử nghiệm.

Cơm cháy Đồng Bằng.

Mẻ cơm cháy đầu tiên với 1.000 sản phẩm mang thương hiệu Đồng Bằng được anh tự tay sản xuất, tự chuyển đi quảng bá, bỏ mối đã được người tiêu dùng đón nhận.

Sản phẩm không có nước sốt pha, sử dụng kỹ thuật chiên dầu bằng hơi nước nên giữ được độ ngọt của hạt gạo, ruốc ăn kèm gồm ruốc thường và ruốc cay hương vị đặc trưng, phù hợp thị hiếu khách hàng. Từ đó, Phạm Hữu Mạnh xây dựng kế hoạch cụ thể cho thị trường, xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định tại địa phương và đầu tư mua sắm thêm nhiều máy móc sản xuất.

Với suy nghĩ làm đồ ẩm thực phải mang được sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng, nên tất cả các công đoạn từ chọn lựa gạo, sơ chế, đưa vào khuôn hấp máy, ra khuôn, sấy khô, đóng gói đều được anh cùng thành viên trong gia đình tự tay thao tác, tuân thủ những quy trình nhất định để bảo đảm chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong lễ hội đền Đồng Bằng, những sản phẩm cơm cháy mang thương hiệu khu đền thiêng nổi tiếng này như thêm món quà quê để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Bà Hoàng Thị Phương, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) chia sẻ: Tôi luôn nghĩ cơm cháy là một đặc sản của những vùng miền khác, nay về lễ thánh được ăn cơm cháy Đồng Bằng tôi và nhiều người cảm nhận đây là món ăn ngon, có vị thơm đặc trưng, sản phẩm có hình thức đẹp, giá cả phải chăng.

Cơm cháy Đồng Bằng đã xuôi ngược Bắc Nam phục vụ thực khách tại nhiều tỉnh thành trong nước, để rồi qua những hộp quà nhỏ thảo thơm ấy, du khách gần xa thêm mến cảnh, trân trọng bàn tay lao động tài hoa của người Thái Bình.

Ông Phạm Trung Phương, Phó Ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đền Đồng Bằng cho biết: Chúng tôi đánh giá cao sản phẩm cơm cháy Đồng Bằng bởi bên cạnh chất lượng, hương vị, đây còn là một hình thức quảng bá cho du lịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước.

Sản phẩm cơm cháy Đồng Bằng của Phạm Hữu Mạnh đã được Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế và Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo cấp chứng nhận danh hiệu cúp vàng cho sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2016.

Trịnh Cường


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày