Thứ 7, 16/11/2024, 03:48[GMT+7]

Không có chuyện bằng A1 không được lái xe SH và bằng B1 không được lái ô tô

Thứ 5, 02/07/2020 | 16:39:26
2,554 lượt xem
Đó là khẳng định của ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện, Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Người có giấy phép lái xe hạng A1 vẫn được lái môtô dưới 175 cm3. Ảnh: Người Lao động.

Theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định giấy phép lái xe hạng B1 sẽ không được lái ô tô và giấy phép lái xe hạng A1 không được điều khiển xe môtô có dung tích 150 phân khối trở lên. Vấn đề này đang được dư luận rất quan tâm.

Trả lời về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện, Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Việc phân hạng giấy phép lái xe, thứ nhất là bởi thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam khi tham gia Công ước viên năm 1968 về giao thông đường bộ.

Thứ hai là bởi việc phân hạng lại giấy phép lái xe phù hợp với quy định của quốc tế, tạo điều kiện cho việc công nhận giấy phép lái xe của Việt Nam và các nước trên thế giới theo nguyên tắc có đi có lại. Việc này cũng tạo điều kiện cho người Việt Nam sử dụng giấy phép lái xe Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài sử dụng giấy phép nước ngoài ở Việt Nam".

"Theo dự thảo của Luật Giao thông đường bộ mới, những người đã được cấp giấy phép lái xe thì vẫn được nguyên giá trị, có nghĩa là đã được cấp giấy phép lái xe hạng A1 thì người đó vẫn tiếp tục được sử dụng, không phải đổi sang giấy phép lái xe mới và được điều khiển loại xe mà được ghi trên giấy phép. Người đang có giấy phép lái xe hạng A1 được điều khiển loại xe môtô đến 175 cm3 thì vẫn tiếp tục được điều khiển hay hạng B1 thì vẫn được tiếp tục điều khiển ô tô như bình thường.

Còn về thời hạn thì sẽ được điều khiển theo thời hạn ghi trên giấy phép. Ví dụ như giấy phép lái xe hạng A1 sẽ là không thời hạn và giấy phép lái xe hạng B1 thì sẽ được cấp đến khi người lái xe đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. 

Khi hết thời hạn thì được đổi sang một loại giấy phép lái xe tương đương, ví dụ như hạng B1 số tư động thì sẽ được chuyển sang hạng B2 và hạng B1, B2 số sàn thì sẽ đươc chuyển sang hạng B. Như vậy là không ảnh hưởng đên việc đổi lại giẩy phép hay các chi phí khác của người dân. Còn đối với các giấy phép lái xe cấp mới thì sẽ được cấp lại theo đúng phân hạng mới theo quy định của Luật Giao thông đường bộ", ông Lương Duyên Thống cho biết thêm.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc điều chỉnh phân hạng GPLX không ảnh hưởng và phát sinh thủ tục và chi phí cho người dân. Theo đó: Đối với người đã được cấp giấy phép lái xe, tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (GPLX hạng A1 không thời hạn).

Trường hợp hết hạn, thì đổi sang giấy phép lái xe theo hạng mới (GPLX hạng A3 được đổi sang GPLX hạng B1, GPLX hạng B1 số tự động được đổi sang GPLX hạng B2, GPLX hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B…).

Đối với người cấp mới, cấp đổi GPLX sẽ thực hiện theo hạng GPLX mới.


Theo vtv.vn