Thứ 7, 16/11/2024, 03:38[GMT+7]

Đề xuất tăng mức phạt gấp 10 lần người đi xe máy không biển số, che biển

Thứ 2, 27/09/2021 | 14:41:42
1,310 lượt xem
Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ bổ sung tăng nặng nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm để răn đe, trong đó có đề xuất liên quan đến người điều khiển xe máy.

Tăng nặng xử phạt người đi xe gắn máy vi phạm để răn đe. Ảnh minh họa: TTXVN.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Dự thảo này đề xuất tăng nặng nhiều mức phạt liên quan đến người điều khiển xe máy, nhất là không có giấy phép lái xe (GPLX), bảo hiểm trách nhiệm dân sự...

Đáng chú ý trong dự thảo, người đi xe máy không biển số, biển không rõ chữ số, che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số, đề xuất phạt từ 1 - 2 triệu đồng, mức phạt này tăng gấp 10 lần hiện nay.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy không có GPLX hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ hiện bị phạt 800.000 - 1,2 triệu đồng. Dự kiến mức phạt này tăng lên 1 - 2 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định cũng tăng mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng lên 500.000 - 700.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

Mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, tăng gấp đôi so với mức hiện nay là 200.000 - 300.000 đồng.

Ngoài ra, người đi xe máy trên 175 cm3, xe mô tô 3 bánh mà không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ đang áp dụng xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định nêu mức phạt tăng lên 4 - 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đối với hành vi dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng quy định, quay đầu trên cao tốc (mức phạt hiện tại là 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 - 4 tháng), dự kiến, tăng mức phạt lên 10 - 12 triệu đồng, tước giấy phép 2 - 4 tháng.

Theo bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT), thành viên ban soạn thảo Nghị định, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi không có GPLX hoặc sử dụng GPLX hết hạn, nhằm ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình GPLX, chấp nhận nộp phạt thay vì phải tước GPLX.

Bởi thực tế hiện nay, một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, thời gian tước quyền sử dụng GPLX dài, nên nhiều trường hợp vi phạm cố tình không xuất trình GPLX, khai báo mất để trốn tránh việc bị tước GPLX...

Theo vtv.vn