Thứ 7, 23/11/2024, 23:57[GMT+7]

Đề xuất mới về cho vay bằng ngoại tệ đối với khách vay là người cư trú

Thứ 5, 22/11/2018 | 14:53:37
813 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN nhằm cụ thể hóa phương án và lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Theo đó, dự thảo sửa đổi khoản 1, Điều 3 Thông tư số 24/2015/TT-NHNN như sau: Tách nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư số 24/2015/TT-NHNN thành các nội dung chi tiết, trong đó quy định: “(1) cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019;

(2) cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019;

(3) cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩukhikhách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay”.

Quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VNĐ. Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định.

Đồng thời, dự thảo cũng dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 24/2015/TT-NHNN.

Theo NHNN, quy định này cùng với qui định tại mục (3) của điểm a khoản 1 Điều 3 được cơ cấu lại (như nêu trên) nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao (đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ-Trung). Bên cạnh đó, chính sách cho vay đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ và NHNN do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đô la hóa nào đối với nền kinh tế (ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng)...

Theo baochinhphu.vn