Thứ 4, 13/11/2024, 06:41[GMT+7]

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 3, 27/11/2018 | 16:26:16
9,430 lượt xem
Sáng ngày 27/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân bảo đảm nghiêm túc, đúng tiến độ, thời gian quy định; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và các loại hình, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 26/NQ-TW và các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp đến người dân. Trong quá trình chỉ đạo và triển khai, thực hiện, các cấp, các ngành luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, qua đó kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, lệch lạc, khắc phục những tồn tại, yếu kém, đồng thời xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả.

10 năm qua, sản xuất nông nghiệp của Thái Bình phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong trồng trọt đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, đưa các loại giống tốt vào sản xuất; tập trung phát triển các vùng chuyên canh lúa, rau màu, hoa quả, từng bước gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi phát triển khá mạnh theo hình thức trang trại và gia trại quy mô lớn, chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp và công nghiệp hiện đại. 

Năm 2017, toàn tỉnh có 759 trang trại và trên 21.000 gia trại chăn nuôi. Thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng và khai thác; tập trung sản xuất theo hướng mở rộng diện tích nuôi ngao ven biển với khối lượng hàng hóa lớn; hình thành một số mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao với 4 - 5 vụ/năm, năng suất 30 - 40 tấn/ha, cao hơn 10 - 15 lần so với phương thức nuôi truyền thống; phát triển 514 lồng nuôi cá trên sông với các đối tượng cá đặc sản. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 25.782,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2017 là 3,96%/năm, vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản, giảm dần tỷ trọng trồng trọt…

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong thời gian tới, Thái Bình sẽ nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đổi mới tư duy sản xuất, từ bỏ thói quen, tập quán canh tác nhỏ lẻ, phân tán, thụ động, dám sản xuất kinh doanh, làm ăn quy mô lớn và tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Đổi mới cơ chế, chính sách và huy động các nguồn lực phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn…

Phạm Hưng