Thứ 5, 14/11/2024, 11:09[GMT+7]

Nhất thể tam thân

Thứ 2, 03/12/2018 | 08:23:20
4,655 lượt xem
Theo đại đức Thích Hạnh Trường trụ trì chùa Phúc Thắng và các nguồn khảo luận thì thiền sư Đỗ Đô (1042), quốc sư triều Lý không sinh ra ở đất Ngoại Lãng (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư) nhưng từ tấm bé thiền sư đã theo cha mẹ từ phường Hoàng Giang, trấn Hải Dương giáp đạo Đông Triều và Yên Tử về đất Ngoại Lãng sinh sống.

Cụm di tích đền Thượng và Phúc Thắng tự (làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - nơi thờ quốc sư triều Lý, thiền sư Đỗ Đô.

Được giáo dưỡng cẩn thận nên Đỗ Đô sớm trở thành người tinh diệu về Phật giáo và đạo giáo. Vì từng có công lao lớn với vua Lý Thánh Tông và triều đình nên vua Lý Nhân Tông đã ngự ban cho ông đạo hiệu Đạt Mạn thiền sư để tỏ lòng kính trọng và ban cho dân làng Ngoại Lãng nhiều vàng bạc để xây đền, tạc tượng “nhất thể tam thân” thờ ông...

Theo ngọc phả đền Thượng, bi ký chùa Phúc Thắng, làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư thì Đỗ Đô có cha là Đỗ Hoằng, mẹ là Đào Thị Cao. Cụ Đỗ Hoằng vốn là một nhà Nho kiêm phù thủy đạo giáo cao siêu thuộc giáo phái Hoàng Giang nhưng rất ngưỡng mộ đạo Phật, cụ muốn các con mình hiển đạt về cung kiếm, đỗ đạt cao và hiểu sâu về đạo thuật. Gia đình cụ Đỗ Hoằng từ phường Hoàng Giang phiêu bạt về đất Ngoại Lãng nên rất khó khăn về kinh tế nhưng cụ Đỗ Hoằng nhận thấy con trai Đỗ Đô của mình tướng mạo khôi ngô, thông minh khác người nên cụ dành nhiều công sức cho Đỗ Đô học hành. Cụ Đỗ Hoằng gửi con theo học pháp sư Tĩnh Trai Công, một danh Nho nổi tiếng thời bấy giờ ở đất Ngoại Lãng. Đỗ Đô thông tuệ học một biết mười nên rất được Tĩnh Trai Công yêu quý. Thân phụ Đỗ Đô vốn là đạo sĩ nên bên cạnh thầy dạy học Đỗ Đô được tiếp thu thêm kiến thức của cha mình truyền cho về đạo giáo chân truyền của phái Hoàng Giang mà tổ tiên ông để lại, do vậy chẳng bao năm ông đã nổi tiếng bởi tài văn chương và thao lược binh pháp.

Theo truyền ngôn làng Ngoại Lãng, gia đình Đỗ Đô rất khó khăn, quanh năm túng thiếu nhiều khi không có cơm ăn, đứt bữa thường xuyên phải sang hàng xóm vay gạo. Dân làng biết hoàn cảnh nên thương tình sẻ chia. Có lần thân mẫu Đỗ Đô sai ông sang hàng xóm vay đỗ, người hàng xóm biết Đỗ Đô thông minh, hiếu học, trước khi cho vay ông hàng xóm ra vế đối thử tài cậu bé:

“Trong nhà để đỗ, ngoài sân phơi đỗ. Anh vay đỗ, lão giao đỗ. Thi vân: Đãi đỗ bất diệt lạc hồ!”

Đỗ Đô ngẫm nghĩ một lát rồi kính cẩn thưa:


“Trên cây có hoa, dưới gốc có hoa. Ông vinh hoa, tôi thám hoa. Có viết: Trùng hoa thử chi vị dã!”

Người hàng xóm thán phục tài ứng đối cậu bé Đỗ Đô, xoa đầu cậu bé và cho vay đỗ. Ông hàng xóm tiên đoán rằng sau này cậu bé Đỗ Đô chắc chắn đỗ đạt hiển vinh. Lớn lên, Đỗ Đô đi theo vị Tăng lão gốc quán Hoàng Giang, được Tăng lão dìu dắt, phát nguyện tu hạnh đầu đà ở chùa Yên Tử. Mấy năm trời khổ luyện, được sư phụ truyền đạo Thiền, đạo Lão, nhập định, ngộ không, dứt hết lục căn, thông suốt ngũ uẩn Đỗ Đô tự thấy tai mắt, tinh thần ngày một sảng khoái có một sức mạnh kỳ diệu có thể “hàng long phục hổ” muôn hình vạn trạng phép kỳ, người thường khó mà hiểu được, làm được. 

Năm Bính Ngọ, niên hiệu Thái Bình thứ 12 (1066) triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được các thiền sư Trúc Lâm cử sang Bắc quốc dự khoa thi Bạch Liên, với tài năng xuất chúng của mình, Đỗ Đô đỗ đầu khoa thi về Phật pháp. Vua Lý Thánh Tông và triều đình nghe tin vô cùng thán phục. Đồng đạo đương thời trong và ngoài nước với thiền sư thời đó vô cùng thán phục. Vua Lý Thánh Tông liền cho người mời ông vào triều tham dự triều chính, phong tới bậc Vệ đại phu, một chức quan nội thần hàng văn triều Lý. Nhân chuyến hộ giá vua Lý Thánh Tông từ kinh thành Thăng Long thăm thú  phương Nam đến trang Ngoại Lãng, hương Mần Để, tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư), vua thưởng lãm phong cảnh thấy vùng đất này màu mỡ, dân chúng thuần phác, địa thế bằng phẳng, sông ngòi quanh co, có nhiều gò đống lớn hình dáng như long chầu hổ phục, cây cối xanh tươi, cảnh như tranh vẽ. Thấy nhà vua thích thú cảnh vật Đỗ Đô liền tâu với nhà vua xin được lập hành cung tại đây. Được vua phê chuẩn, ông liền tâu với nhà vua xem xét giảm bớt các loại tô thuế để khoan sức dân, làm điều lợi trừ mối hại, khuyến nông làm kế sâu rễ bền gốc lâu dài. Thấy ông tâu phải nên nhà vua chuẩn tấu cho xây hành điện nguy nga, lộng lẫy và không quên cho xây dựng phía trái hành điện viện đọc Kinh, đặt tên là Phúc Thắng. Sử cũ chép: Sau khi bình xong Chiêm Thành về đến kinh thành Thăng Long bỗng dưng vua Lý Thánh Tông long thể bất an liền cho mời thiền sư Đỗ Đô vào cung. Thiền sư Đỗ Đô bắt mạch cho vua và tâu với vua rằng: “Thánh cung sẽ tạm bình phục nhưng ngày về chẳng còn bao xa. Thần không tiếc sức mình nhưng sao cưỡng nổi số trời”. Nghe xong Vua cười nói với ông rằng: “Sinh mệnh con người là có hạn đó là luật thường của tạo hóa. Sau khi ta trăm tuổi Thiền sư phải hết lòng phò giúp thái tử giúp ta, chớ sai lời dặn”. Quả tình không lâu sau đó vua Lý Thánh Tông trở bệnh nặng, ngẫm tiên đoán của thiền sư Đỗ Đô là chân thực liền cho triệu Thái tử Kiền Đức đến bên giường bệnh dặn dò: “Ta rất quý trọng bậc thượng nhân đích tông Hoàng Giang phái, thiền sư Đỗ Đô vừa có đức vừa có tài. Người ấy sẽ giúp ấu nhi phụ chính, ấu nhi phải coi người ấy là bậc thầy, lấy lễ đối xử không được sai lời trẫm”. 

Ngày Canh Dần, tháng Giêng, năm Nhâm Tý, niên hiệu Thần Võ thứ tư (1072) vua băng hà. Nhà Tống phương Bắc nghe tin vua nước Nam băng hà liền động binh và coi đây là cơ hội thuận lợi đánh chiếm đất đai Đại Việt, phái Thầm Khởi gấp rút chuẩn bị binh mã để bất ngờ đánh chiếm nước ta. Nhớ lời dặn trước lúc băng hà của vua Lý Thánh Tông, thiền sư Đỗ Đô hộ giá vua Lý Nhân Tông (lúc ấy mới 6 tuổi) cùng với các đồng đạo của mình chăm lo công cuộc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu phò vua giúp nước, bảo vệ giang sơn. Ông cùng với Thái phó Bình chương Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt chăm lo công việc nội chính quân cơ. Vốn là người am hiểu “Tam bảo pháp” trong binh pháp giáo phái Hoàng Giang, ông cùng bộ tham mưu quân sự triều Lý tích cực chiêu binh và huấn luyện quân sĩ đánh thắng giặc Tống. Ngoài ra thiền sư cũng chỉ đạo các đạo binh cùng nhân dân tăng cường làm thủy lợi trồng lúa và hoa màu tích trữ lương thảo chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Dân gian vùng Ngoại Lãng còn lưu truyền câu ca: “Cơi đê sông Hồng, khơi thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phình sông Hóa” phản ánh công cuộc trị thủy, phát triển sản xuất theo phương châm “thực túc binh cường” do thiền sư Đỗ Đô chỉ đạo.

Sách “Mạn Thiền sư bảo lục” ghi chép rằng: Sau nhiều năm hộ giá vua Lý, thiền sư trở về chùa Yên Tử siêu hóa nhưng không thành. Ngài đành trở về Phúc Thắng tự thuộc trang Ngoại Lãng tu luyện. Cuối đời, ngài lập đàn chay tụng “Ảo hóa kinh” ba ngày rồi “hóa” về trời. Vua Lý và triều đình được tin liền xa giá về trang Ngoại Lãng làm lễ tế thiền sư, gia phong là Đại Vương, sắc phong cho trang Ngoại Lãng dựng đền thờ (nay là đền Thượng) ngay trên nền hành điện cũ. Tuân theo đúng đạo hiệu của vua Lý Thánh Tông đã ngự ban, tạc tượng thiền sư để nhân dân muôn đời hương lửa phụng thờ.


Ông Hoàng Xuân Liên, chủ hội “Thọ đàn”, thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Hàng năm, vào ngày rằm tháng 11 (âm lịch) làng Ngoại Lãng lại tổ chức cuộc họp chọn người kế vị hội “Thọ đàn”. Sau khi làm lễ dâng hương trong đền Thượng và chùa Phúc Thắng, nguyên lão chủ tế sẽ xin đài âm dương chọn người kế vị. Trong danh sách đề cử, ai được nhất đài âm dương người đó được chọn.

Ông Trần Đình Thuận, thành viên “Quan văn hành nghi” thôn An Lợi, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Đền Thượng có đôi câu đối:
Lãng địa huy hoàng kim thế giới
Lý triều ẩm ước cổ hành cung

Nghĩa là:
Đất Ngoại Lãng rực rỡ trong thế giới hiện tại
Nơi đây còn dấu tích hành cung triều Lý

Nhờ có tấu của thiền sư Đỗ Đô vua Lý đã cho xây dựng hành cung ở đất Ngoại Lãng.

 Ông Đỗ Liên, nguyên chủ hội “Thọ đàn”, thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư

Trước khi vào hội rước thiền sư Đỗ Đô, hội chủ “Thọ đàn” làm lễ rước ông thầy của Đỗ Đô đến một ngôi chùa gần đó để ngự lãm bởi theo quan niệm dân gian truyền lại không thể làm lễ tế trò (Đỗ Đô) trước mặt thầy dạy thiền sư được nên điều này cũng tạo sức hấp dẫn trong lễ hội đền Thượng ở Song Lãng.


Quang Viện