Thứ 6, 15/11/2024, 04:23[GMT+7]

Nỗ lực hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90

Thứ 2, 03/12/2018 | 15:15:49
794 lượt xem
Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Để có thể đạt mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020, loại trừ HIV/AIDS ra khỏi đời sống cộng đồng vào năm 2030 rất cần sự nỗ lực, chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn thể cộng đồng.

Điều trị Methadone tại cơ sở y tế.

Kết quả đáng ghi nhận

Những năm qua, ngành Y tế cùng các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Theo đồng chí Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Nhằm tạo thuận lợi cho người nhiễm HIV trong điều trị, ngành Y tế đã hoàn thiện việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS trong toàn tỉnh, trong đó chuyển các phòng khám ngoại trú từ trung tâm y tế về bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Do không còn được hỗ trợ điều trị HIV miễn phí từ các tổ chức quốc tế nhưng người nhiễm HIV tiếp tục được hỗ trợ điều trị nếu có thẻ BHYT. Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV mua thẻ BHYT, ngành Y tế đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cấp miễn phí cho người nhiễm HIV trong toàn tỉnh. 

Đến nay, 100% người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tiếp tục được điều trị bằng nguồn quỹ BHYT, không có trường hợp nào bị gián đoạn hoặc bỏ điều trị do thiếu kinh phí. Ngoài triển khai điều tra, khảo sát, tiếp cận người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, ngành Y tế còn triển khai nhiều hoạt động khác như tổ chức các chương trình thông tin, truyền thông, giáo dục phòng lây nhiễm HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao. 

Các chương trình giám sát và can thiệp giảm tác hại ngày càng mở rộng độ bao phủ cho các nhóm đối tượng. Chương trình chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh, đặc biệt là chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. 

Tính đến hết tháng 10/2018, số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống trên toàn tỉnh là 3.337 ca, trong đó có 863 phụ nữ. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS tử vong là 902 ca. Tỷ lệ nhiễm HIV là 174/100.000 dân. Số hành vi nguy cơ trong nhóm nghiện chích ma túy và gái mại dâm đã giảm rõ rệt do việc tiếp cận tuyên truyền, vận động đối tượng sử dụng riêng bơm kim tiêm và sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với khách hàng đạt nhiều kết quả...

Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo đồng chí Phạm Nam Thái, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Các yếu tố nguy cơ làm lây lan HIV vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, bởi hiện nay dịch bệnh không chỉ tập trung trong những nhóm đối tượng nguy cơ cao mà đã lan ra cộng đồng dân cư bình thường qua con đường tình dục không an toàn. Đặc biệt, hình thái quan hệ tình dục đồng giới nam đang trở nên phổ biến, kết hợp với việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác mạnh trong nam thanh niên càng khiến nguy cơ lây nhiễm HIV tăng cao. Một trong những khó khăn nữa là các dự án quốc tế ngừng hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS dẫn đến khoảng trống trong công tác dự phòng cũng như chăm sóc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Việc thiếu kinh phí triển khai hoạt động đã ảnh hưởng tới hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trong quá trình khám chữa bệnh, thông tin cá nhân trên bệnh án của một số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú và giấy tờ cá nhân của họ còn sai lệch, do đó gây khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Đặc biệt, tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV vẫn còn cao. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của họ nhưng không tham gia điều trị ARV bởi sợ bị phát hiện, sợ bị kỳ thị dẫn đến có thể bị cô lập, bị mất việc làm. Nhiều người có tham gia điều trị ARV nhưng sau đó bỏ trị khiến sức khỏe của họ bị suy giảm nhanh chóng, đồng thời họ sẽ là nguồn lây nhiễm nguy cơ cao trong gia đình và cộng đồng.

Mục tiêu 90 - 90 - 90 do Liên hợp quốc đưa ra, trong đó phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút; 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh.


Mục tiêu và giải pháp

Cùng với cả nước đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thái Bình cũng đang tiếp tục thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 do Liên hợp quốc đưa ra. 

Theo đồng chí Phan Thanh Hải, công tác phòng, chống HIV/AIDS rất cần sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và mỗi người dân. Trong đó, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong việc triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường hơn nữa việc quản lý người nhiễm HIV/AIDS, các đối tượng có nguy cơ cao như người đi làm ăn xa, người nghiện ma túy tại cộng đồng, gái mại dâm, đồng tính nam; tạo mối liên hệ và gắn kết với gia đình người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy để vận động, hỗ trợ họ tham gia điều trị ARV và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; thường xuyên điều tra, khảo sát, nắm chắc tình hình, thống kê đầy đủ, chính xác đối tượng có nguy cơ cao tại từng xã, phường, thị trấn, từ đó có kế hoạch tuyên tuyền, vận động nhằm nâng cao hiểu biết về căn bệnh để họ chủ động có biện pháp phòng ngừa, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm và lây lan trong cộng đồng; triển khai cơ chế phối hợp trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức về chương trình điều trị HIV, Methadone cho người dân và các đối tượng nghiện ma túy giữa các cơ quan, đơn vị với ngành Y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình điều trị ARV, Methadone tại cộng đồng, trọng tâm là nhóm đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy và gia đình của họ; tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm giảm tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, từ đó giúp người có nguy cơ nhiễm HIV tích cực đi xét nghiệm để biết tình trạng bệnh của mình. Người xét nghiệm nhiễm HIV thì tích cực tham gia điều trị để duy trì sức khỏe đồng thời giảm lây lan HIV trong gia đình và cộng đồng...

Hà Dung