Thứ 7, 23/11/2024, 17:48[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Đa dạng các hình thức sản xuất giúp nông dân làm giàu

Thứ 5, 06/12/2018 | 14:24:48
1,223 lượt xem
Xác định đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hướng đột phá nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, những năm qua, huyện Quỳnh Phụ đã huy động tổng hợp các nguồn lực, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tập trung phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực.

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng liên kết với nhiều HTX trồng và thu mua cây dược liệu cho nông dân.

Năm 2015, anh Đoàn Văn Sỹ ở thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ đầu tư 15 lồng nuôi cá trên sông Luộc. Mỗi lồng nuôi đầu tư ban đầu trên 40 triệu đồng. Các loại cá anh nuôi gồm: diêu hồng, lăng, trắm, chép, rô phi... 2 năm đầu hòa vốn do đầu tư chi phí lồng nuôi, sau đó mỗi năm anh Sỹ thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá lồng trên sông Luộc. 

Tận dụng lợi thế mặt nước của sông Luộc, cách đây 5 năm, một số hộ dân xã Quỳnh Ngọc đầu tư nuôi cá lồng. Do mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chỉ trong thời gian ngắn, nghề nuôi cá lồng ở đây phát triển mạnh và hiện có quy mô lớn nhất huyện Quỳnh Phụ. 

Toàn xã hiện có 34 hộ nuôi cá với 312 lồng. Trung bình từ 6 đến 8 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch cá, mỗi lồng trung bình đạt 4 tấn cá, trừ các khoản chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng. Nghề nuôi cá lồng ở Quỳnh Ngọc hiện tạo việc làm cho trên 300 lao động với mức thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nuôi cá lồng, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Không chỉ ở Quỳnh Ngọc, nhiều xã của huyện Quỳnh Phụ nông dân đã tận dụng lợi thế về đất đai, đầu tư giống, vốn phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hình thành các gia trại, trang trại cho hiệu quả kinh tế cao. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp, hiện đại giai đoạn 2014 - 2020. 

Đến nay, toàn huyện có 251 trang trại, chiếm trên 35% số trang trại toàn tỉnh, trong đó 243 trang trại chăn nuôi, 7 trang trại nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại trồng trọt. Trung bình vốn sản xuất, kinh doanh của mỗi trang trại khoảng 800 triệu đồng, doanh thu bình quân đạt 1,5 tỷ đồng/trang trại/năm. Các trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 753 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Quỳnh Phụ 10 năm qua là việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các hình thức tổ chức sản xuất mới.  Đối với kinh tế hộ, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tạo điều kiện, động viên khuyến khích các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ đất, đầu tư vốn, ứng dụng khoa học công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chuyển các hộ thuần nông sang sản xuất phi nông nghiệp. Đến nay, quy mô sản xuất đất nông nghiệp của nông hộ bình quân 2.500m2/hộ, tăng 47% so với năm 2008; có trên 3.500 hộ chuyển từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.  

Cùng với đó, Quỳnh Phụ đã tiến hành tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với 46 HTX, giải thể 1 HTX, sáp nhập 2 HTX. Sau khi tổ chức lại hoạt động, các HTX đã đầu tư cơ sở vật chất với số vốn tăng 3,5 lần so với trước đây, mở rộng nội dung, phạm vi hoạt động, hiệu quả kinh doanh nâng lên rõ rệt. Nhiều HTX đã thích ứng với kinh tế thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là hợp tác, liên kết giữa Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thương mại dịch vụ Thanh Nhàn với 20 HTX và các hộ nông dân, với hình thức công ty cung ứng giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng, chống dịch bệnh. HTX và nông dân tổ chức sản xuất; công ty thu mua sản phẩm của nông dân, thực hiện chế biến, xuất khẩu. 

Với mô hình liên kết, hợp tác này đã được duy trì ổn định nhiều năm nay, doanh nghiệp và người dân, HTX cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro, nhìn chung lợi nhuận của doanh nghiệp và người dân đều tăng 30% so với trước đây, mở ra triển vọng và động lực mạnh mẽ cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. 

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng ở xã Quỳnh Hoa cũng thuê 25ha đất của xã trồng cây dược liệu và sản xuất các loại trà dược liệu. Anh Lê Ngọc Huê, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp còn liên kết với HTX ở trong và ngoài huyện trồng cây dược liệu, thu mua nguyên liệu tạo chuỗi liên kết ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nông dân.

Ở Quỳnh Phụ hiện nay, mô hình liên kết giữa nông dân với nông dân trong chăn nuôi và trồng trọt ngày càng mở rộng. Toàn huyện đã hình thành 7 tổ hợp tác chăn nuôi với nội dung hợp tác: góp vốn để cùng mua một loại giống, thức ăn, áp dụng chung một quy trình sản xuất và cùng nhau tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện đã hình thành 14 cánh đồng lớn với diện tích là 522,34ha. Trên các cánh đồng lớn, các hộ nông dân đều cấy cùng một loại giống, đồng trà, đồng quy trình sản xuất và phòng, trừ sâu bệnh, hình thành các vùng chuyên canh, có khối lượng hàng hóa lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Với việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như trên đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, thu nhập trung bình của người dân nông thôn trên địa bàn huyện đạt 37 triệu đồng/năm tăng hơn 2,5 lần so với năm 2008, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Toàn huyện có 28/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu về đích trong năm 2018. Cơ sở vật chất khu vực nông thôn và của huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Quỳnh Phụ cơ bản đạt 6/9 tiêu chí theo quy định của huyện nông thôn mới. Theo kế hoạch, Quỳnh Phụ đang dồn lực phấn đấu đến năm 2020 đạt 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới.


Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày