Thứ 4, 13/11/2024, 07:48[GMT+7]

Trong ngàn bước ra

Thứ 2, 10/12/2018 | 08:57:09
4,517 lượt xem
Sau một quá trình bí mật tìm, kén chọn lực lượng chủ đạo chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh, Lam Sơn hội chủ đã tụ hợp được 18 yếu nhân trong đó có Phạm Bôi cùng bảy họ người mang họ Phạm khác ở huyện Đa Dực ứng nghĩa “cắt máu ăn thề” tại Lũng Nhai...

Sử cũ ghi đầu thế kỷ XV nhà Minh (Trung Quốc) lợi dụng triệt để cuộc khủng hoảng tranh giành quyền lực giữa nhà Hồ và nhà hậu Trần dấy binh sang xâm chiếm nước ta đánh bại vương triều nhà Hồ hoàn thành việc đặt ách đô hộ lên toàn Đại Việt vào năm 1418. Sau một quá trình bí mật tìm, kén chọn lực lượng chủ đạo chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh, Lam Sơn hội chủ đã tụ hợp được 18 yếu nhân trong đó có Phạm Bôi cùng bảy họ người mang họ Phạm khác ở huyện Đa Dực ứng nghĩa “cắt máu ăn thề” tại Lũng Nhai...

Danh tướng Phạm Bôi sinh ngày 15 tháng 2 năm Đinh Mão (1397) người làng Địa Linh (còn gọi là Nghìn, phủ Tân An, huyện Đa Dực sau đổi thành làng Đông Linh, xã An Bài) và nay là tổ I, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ. Thân phụ là Phạm Chương, thân mẫu là Phan Thị Tố. Từ nhỏ Phạm Bôi đã nổi tiếng là người học giỏi, thích tập võ nghệ... Khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta đặt ách cai trị hà khắc khiến nhân dân ta lầm vào cảnh loạn ly, cùng cực. Phạm Bôi giỏi võ thuật, thích cung kiếm bất bình trước sự quấy nhiễu của lũ giặc đã cùng Vũ Công Toàn người làng Tô Đàm (nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ) tự dấy binh chống giặc Minh. Lực lượng ban đầu của Phạm Bôi có 500 người, tự vũ trang, tự xây dựng các đồn luỹ ngay tại làng Nghìn và chặn đánh giặc mỗi khi chúng kéo đến cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ hoặc đi thuyền trên sông Hóa... Phạm Bôi và Vũ Công Toàn gắn kết xây dựng lực lượng chiến đấu ở làng Nghìn một thời gian thì nghe tin Lê Lợi ở Lam Sơn phất cờ khởi nghĩa, ông cùng các nghĩa sĩ tìm đường vào Lam Sơn. 

Phạm Bôi là một trong số 18 người được Lê Lợi chọn dự Hội thề Lũng Nhai, được ghi danh trong “Lam Sơn sự tích”. Khi bình xong giặc nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi vua hiệu là Lê Thái Tổ phong cho Phạm Bôi chức Thượng tướng quân và ban quốc tính họ Lê cho Phạm Bôi, từ đó sử sách ghi tên ông là Lê Bôi. Bối cảnh lịch sử giai đoạn kháng Minh đầu thế kỷ XV được sử cũ chép: Năm 1425 từ vùng căn cứ Lam Sơn nghĩa quân do Lê Lợi chỉ huy tiến ra kinh thành Thăng Long, bao vây và tấn công vào các thành luỹ quân Ngô chiếm đóng. Tướng Lê Bôi được giao nhiệm vụ cùng với các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Điều, Lê Văn Linh bao vây thành Nghệ An. 

Năm Bính Ngọ (1426) Lê Bôi được giao đi đánh thành Khâu Ôn (Lạng Sơn). Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: “Lê Bôi, Lê Lựu ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn, quân Minh tự lượng sức không chống nổi, đang đêm bỏ thành mà chạy”. Nghĩa quân Lam Sơn với chiến thuật bí mật trong rừng sâu rồi bất ngờ từ rừng sâu đi ra đánh vào đồn lũy mà giặc chiếm đóng. Lam Sơn hội chủ Lê Lợi biết vận dụng hình thức “cắt máu ăn thề” ở Hội thề Lũng Nhai và lời thề ấy sau khi khởi nghĩa thành công đã được chép vào sách “Lam Sơn thực lục” trong đó khắc ghi: “Phụ đạo lộ Khả Lam là Lê Lợi cùng với nhóm 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, Lê Bội...họ hàng quê quán tuy khác nhau nhưng kết nghĩa thân nhau như cùng một tổ liền cành, phận giàu sang dù khác nhau nhưng coi tình chung một họ”. 

Sử cũ chép sau Hội thề Lũng Nhai, cuối năm Đinh Dậu (1417) đã có 30 tướng võ trong đó có Lê Bôi, Lê Thạch, Đinh Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân, Nguyễn Lý... một số văn thần như Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng... cùng hơn 200 quân “Thiết đột”, 500 nghĩa sĩ và dũng sĩ, 1.000 quân “Khinh dũng” và “Hộ vệ”, 4 thớt voi... Chiến thuật đánh giặc của nghĩa quân Lam Sơn là “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy yếu chống mạnh” nên ngay trong những ngày đầu gian khổ mặc dù kẻ thù ngày đêm lùng sục vây ráp hòng tiêu diệt nghĩa quân, Lê Bôi chỉ huy nghĩa quân lập nhiều chiến công hiển hách. Trong trận Bồ Hải (12 - 1424), Lê Bôi cùng các tướng Lê Lễ, Lê Sát... dùng phục binh đại phá giặc Minh diệt hàng nghìn giặc, trong đó có Đô ty Chu Kiệt khiến bọn Trần Trí, Sơn Thọ phải nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An cố thủ. Tháng 7 năm 1425 trong trận đánh mở rộng vùng căn cứ Tân Bình - Thuận Hoá tướng quân Lê Bôi, Lê Ngân, Lê Văn An đem nghĩa binh chi viện cho Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ góp phần giải phóng nhanh Thuận Hoá mở ra cục diện mới cho nghĩa quân Lam Sơn từ thế bị động chuyển sang thế chủ động tấn công. 

Sau khi đại thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi, lập triều Lê sơ. Là một công thần khai quốc, cùng nhiều danh tướng công thần khác Lê Bôi lại ra sức giúp vua an dân trị quốc, tăng cường quốc phòng mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương, được Lê Thái Tổ tin yêu trọng dụng. Khi Lê Thái Tổ băng hà, Lê Thái Tông lên ngôi, Lê Bôi được triều đình giao làm “Đông đạo hành quân tổng quản” lo việc quân cơ quốc sự. Lê Thái Tông mất, Lê Nhân Tông kế vị, Lê Bôi được giao giữ chức “Nhập nội hành khiển” tước Thái bảo, ông lại ra sức phò vua, giúp nước. Liên tiếp ba năm (1444 đến 1446) vua nước Chiêm là Bi Cai quấy phá cướp bóc miền Châu Hoá, vua Lê Nhân Tông sai Thái bảo Lê Bôi cùng tổng quản Lê Khả đem quân bình Chiêm, bắt sống Bi Cai, góp phần giữ vững vùng đất phương Nam. 

Cuối triều Lê sơ, triều đình xảy ra sự biến thoán nghịch Thái tử Nghi Dân cùng đồng bọn đang đêm trèo tường thành vào cung giết chết vua Lê Nhân Tông cùng Tuyên Từ Thái hậu cướp ngôi. Trước sự phản nghịch vô đạo này, Lê Bôi đã cùng các trung thần khác là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thu góp công dẹp loạn Nghi Dân, đưa Thái tử Lê Tư Thành là người em khác mẹ của Lê Nhân Tông lên nối ngôi tức vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh nhất triều Lê sơ, mở ra sự phát triển cực thịnh của Đại Việt. 

Đình Đông Linh, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thờ Thái bảo Lê Bôi (Phạm Bôi) và 6 người họ Phạm có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn làm thành hoàng làng. Đình nay còn lưu giữ được bức đại tự “Địa linh nhân kiệt” do vua Lê Thánh Tông ban tặng và một số câu đối cổ, trong đó có câu đối ghi: 

“Thất vị hạp lương năng, thinh khiếu đãng bình, danh tướng anh thanh đằng Bắc địa.
Nhất môn chung vĩ tích, Lê triều ban tặng
Phúc thần dị tướng túc Nam thiên”. 

Tạm dịch: 

Bảy vị gộp tài năng, đáp lời dẹp giặc, danh tiếng anh hùng lừng đất Bắc.
Một nhà chung công lớn,
Lê triều ban tặng Phúc thần, danh tướng dậy trời Nam. 

Năm Quang Thuận thứ nhất (1460) vua Lê Thánh Tông xét ban quốc tính cho các công thần và con các công thần (phong tặng và truy tặng) trong đó tướng Phạm Dư là con trai Thái bảo Lê Bôi cũng được vua ban quốc tính. Sử cũ chép trong cuộc chiến chống quân Minh hai cha con Lê Bôi và Lê Dư đều chiến đấu dưới ngọn cờ tụ nghĩa Lam Sơn và con trai Thái bảo Lê Bôi đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước.


Ông Vũ Minh Thân, 87 tuổi, nguyên trưởng ban khánh tiết đình Đông Linh, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Có một số tài liệu cho rằng Thái bảo Phạm Bôi là người quê xứ Thanh là không đúng. Phạm Bôi sinh ra tại làng Nghìn, phủ Tân An, huyện Đa Dực. Khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử đã về đình Đông Linh khảo tả, bên trong cùng của ngôi đình là một hậu cung độc lập, móng xếp bằng đá xanh (không trát mạch) được các nhà khảo cổ cho rằng đây là mộ táng của Thái bảo Lê Bôi!


Ông Vũ Đức Rĩnh, ban khánh tiết đình Đông Linh, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Tam quan đình Đông Linh mới được con cháu trong làng góp công, góp của tôn tạo lại, tuy nhiên tòa Đại bái của đình đang xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để con cháu dân làng Đông Linh tu tạo lại ngôi đình linh thiêng nơi thờ khai quốc công thần triều Lê có công lao lớn bình Ngô dựng nước.
 


Ông Vũ Xuân Thưởng, tổ 1, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ

Thái bảo Lê Bôi là người có công lao to lớn đối với dân với nước lại đức độ nên khi sống ông được các vua Lê Thái Tổ, Thái Tôn, Nhân Tôn, sau này Thánh Tôn và các triều thần nể trọng. Khi mất ông được dân làng Địa Linh (nay là Đông Linh, thị trấn An Bài và làng Dục Linh, xã An Ninh) tôn làm Thành hoàng. Đình Đông Linh còn bức đại tự: “Lam Sơn tá thánh” nghĩa là “Vị thành phò tá Lam Sơn hội chủ”). Câu đối ghi: “Thiện Cổ Lam Sơn lưu vĩ tích/Ức niên Đông Địa lẫm linh thanh” nghĩa là: “Muôn thuở chiến tích vĩ đại ở Lam Sơn vẫn được lưu giữ/Ngàn vạn năm tiếng thơm vẫn còn để lại đất Đông Địa Linh”.

Quang Viện