Thứ 7, 23/11/2024, 21:44[GMT+7]

Thảm họa của bóng đá Indonesia: Bi kịch thứ 2 trong năm 2022

Thứ 2, 03/10/2022 | 08:48:21
686 lượt xem
Giới cổ động viên Indonesia được đánh giá là cuồng nhiệt nhất ở khu vực Đông Nam Á, từng gây ra không ít vụ bạo loạn trên sân, nhưng để dẫn tới một thảm kịch lớn tới mức ít nhất 125 người thiệt mạng vào tối 1.10 thì không ai có thể nghĩ tới.

Bạo loạn xảy ra khi khán giả tràn xuống sân. Ảnh: BOLATIMES.COM

Trong trận đấu giữa 2 CLB Arema FC và Persebaya Surabaya thuộc vòng 11 giải Liga 1 (VĐQG Indonesia) diễn ra tối 1.10, bắt nguồn từ phản ứng thái quá của các cổ động viên (CĐV) đã dẫn tới việc lực lượng cảnh sát chống bạo động trên sân trấn áp mạnh tay, bắn hơi cay về phía khán đài gây ra cảnh hỗn loạn và thảm họa đã xảy ra, theo tờ Bolatimes.com. Trong cảnh hỗn loạn, nhiều CĐV hoảng sợ tháo chạy thoát thân dẫn tới thảm kịch giẫm đạp, gây ra con số thương vong kinh hoàng với ít nhất 125 người chết, bao gồm cả trẻ em. Tuy nhiên, cũng phải nói tới những CĐV quá khích (chủ yếu của CLB Arema FC phản ứng đội nhà vì thua trận với tỷ số 2-3) đã phản kháng lại lực lượng cảnh sát trên sân, từ đó dẫn tới thảm họa.

Sau sự cố kinh hoàng này, LĐBĐ Indonesia (PSSI) ra thông báo hoãn mọi trận đấu trong vòng ít nhất 1 tuần để điều tra sự việc, trước khi có những quyết định tiếp theo. Chắc chắn sẽ có nhiều người phải chịu trách nhiệm hình sự, theo tờ Bolatimes.com. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng ra lệnh PSSI hoãn mọi hoạt động bóng đá trên cả nước để điều tra toàn bộ sự việc, tìm ra nguyên nhân, chỉ khi đã áp dụng các biện pháp an toàn nhất cho khán giả mới được phép thi đấu trở lại. 

Một cổ động viên được đưa đi cấp cứu sau khi bị bắn hơi cay

Thảm họa này cũng sẽ tác động mạnh đến khả năng Indonesia bị FIFA tước quyền đăng cai VCK World Cup U.20 năm 2023, do công tác an ninh quá kém. Bên cạnh đó, việc PSSI đang chạy đua xin đăng cai VCK Asian Cup 2023 cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Đây được xem là sự cố gây chấn động thứ 2 từ đầu năm 2022 đến nay liên quan tới CĐV bị thiệt mạng trên sân bắt nguồn từ bạo động sân cỏ. Trước đó là vụ việc ở Mexico hồi tháng 3, từ cuộc hỗn chiến giữa các nhóm CĐV 2 CLB Queretaro và Atlas FC được cho là đã khiến ít nhất 17 CĐV đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Sau đó các nhà chức trách đính chính là chỉ có 22 CĐV bị thương, trong đó có 2 người đang nguy kịch, nhưng sau đó đã tăng lên 9 người và không có CĐV nào thiệt mạng. Mặc dù vậy, báo chí Mexico cho rằng các nhà chức trách đã bao che sự việc.

Trả lời báo chí quốc tế sau thảm họa tối 1.10, ông Emil Dardak, Phó thống đốc tỉnh Đông Java, ngày 2.10 cho biết số người chết hiện ít nhất là 125. Ban đầu, số người chết được cho là 174 người nhưng đến khuya qua giới chức điều chỉnh giảm xuống còn ít nhất 125 người chết, 323 người bị thương. Lý do đưa ra là có sai sót ban đầu từ bệnh viện. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong tuyên bố chính thức liên quan đến thảm kịch của bóng đá Indonesia đã gửi lời chia buồn và bày tỏ: “Đây là một ngày đen tối nhất cho tất cả những người đang tham gia vào công tác bóng đá. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và bạn bè của các nạn nhân trong vụ việc thương tâm này. Với FIFA và cộng đồng bóng đá toàn cầu, tất cả những suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng tôi hiện nay đều dành cho các nạn nhân, cùng với người dân Indonesia, AFC (LĐBĐ châu Á), PSSI (LĐBĐ Indonesia)”.

Chiều 2.10, ông Trần Quốc Tuấn, quyền Chủ tịch VFF, đã gửi lời chia sẻ với Liên đoàn Bóng đá Indonesia và các lãnh đạo của bóng đá Indonesia, cũng như gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong sự cố ở sân Kanjuruhan. Lãnh đạo VFF cho biết đây là nỗi đau lớn với bóng đá Indonesia nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. LĐBĐ châu Á và FIFA cùng nhiều cơ quan bóng đá trên toàn cầu cũng gửi lời chia buồn.

Những thảm họa trên sân bóng

Peru, ngày 24.5.1964:

Trận đấu giữa Peru và Argentina tại Lima trong khuôn khổ vòng loại Olympic đã trở thành “mồ chôn” của 328 người. Quyết định gây tranh cãi của trọng tài khi tước đi bàn thắng gỡ hòa của Peru là nguồn cơn của sự việc. Đến nay, vụ bạo loạn này được coi là thảm khốc nhất và có số người thiệt mạng nhiều nhất trong lịch sử bóng đá.

Nga, ngày 20.10.1982:

Trận đấu ở Cup UEFA (Europa League ngày nay) giữa Spartak Moscow và đối thủ đến từ Hà Lan - CLB Haarlem trên sân Luzhniki, Moscow ghi dấu một thảm kịch của bóng đá Nga. Số đông CĐV đang bỏ về đã ùa lại vào sân khi đội nhà Spartak ghi bàn nâng cách biệt lên thành 2-0 ở những giây cuối cùng, dẫn đến cảnh chen lấn với dòng người đang đổ ra, dẫn tới số người tử vong được công bố là 67. Tuy nhiên, nhiều thông tin sau đó cho biết đã có tới hơn 300 người tử vong.

Anh, ngày 15.4.1989:

Trong trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest, lực lượng an ninh ở sân Hillsborough không kiểm soát nổi khi những khán giả đến muộn nôn nóng tràn vào sân, dồn những người phía trước ép sát vào hàng rào ngăn cách, dẫn tới 96 CĐV của The Kop thiệt mạng khi hàng rào bị sập.

Ghana, ngày 9.5.2001:

Trong trận đấu giữa đội chủ nhà Hearts of Oak và đối thủ Asante Kotoko, sau khi chủ nhà lật ngược tình thế, khán giả đội khách ném vật lạ gây hỗn loạn và đánh nhau dữ dội. Người thì cố gắng thoát khỏi hiện trường, kẻ lại chen lấn vào tạo ra một vụ giẫm đạp đẫm máu, cướp đi sinh mạng của hơn 127 người.

Ai Cập, 1.2.2012:

Vụ bạo loạn xảy ra sau trận thắng 3-1 của đội chủ nhà Al-Masry trước CLB Al-Ahly ở vòng 16 tại Port Said. Ngay sau khi trận đấu kết thúc, khoảng 13.000 CĐV của đội chủ nhà bất ngờ lao đến tấn công khoảng 1.200 CĐV của CLB Al-Ahly trên sân. Vụ bạo loạn khiến ít nhất 74 người thiệt mạng do chấn thương sọ não, bị đâm và ngạt thở.



Theo Thanh Niên