Thứ 5, 14/11/2024, 23:42[GMT+7]

Cần đầu tư bài bản để điền kinh Việt Nam vươn tầm

Chủ nhật, 12/02/2023 | 20:20:50
1,681 lượt xem
Chỉ còn ba tháng nữa, thể thao Việt Nam tiếp tục bước vào cuộc tranh tài Đại hội thể thao Đông Nam Á-SEA Games 32 tại Campuchia. Một năm sau SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai tổ chức là quãng thời gian đủ để chúng ta nhìn lại những điều được và chưa được ở một số bộ môn, trong đó có điền kinh để tự tin bước vào đấu trường khu vực và hướng tới xa hơn là đấu trường ASIAD 2022 diễn ra sau đó cũng như Olympic 2024.

Nguyễn Thị Oanh giành Huy chương Vàng nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ tại SEA Games 31. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam đoạt số lượng Huy chương vàng (HCV) cao nhất từ trước đến nay là 22 HCV, xếp thứ nhất ở bộ môn này, hơn 10 HCV so với đội tuyển xếp nhì Thái Lan. 

Thành tích này đã khẳng định vị thế hàng đầu của điền kinh nước ta ở tầm Đông Nam Á. Điều đó cho thấy điền kinh Việt Nam một mặt duy trì được thành tích trong các nội dung chủ đạo, mặt khác có tiềm năng lớn ở những nội dung chưa từng thành công trong quá khứ. Tuy chiếm vị trí số 1 Đông Nam Á ở SEA Games 31, nhưng có một thực tế phải thừa nhận, các vận động viên nước ta vẫn chưa đủ khả năng vươn tầm châu Á và thế giới. 

Phân tích thông số thành tích của 22 nội dung đoạt HCV của điền kinh Việt Nam đạt được tại SEA Games 31 có thể thấy rất ít nội dung đạt tới khả năng cạnh tranh huy chương châu lục, đồng thời cũng không có thông số nào đạt chuẩn dự giải vô địch thế giới hay chuẩn Olympic Paris 2024. 

Chẳng hạn, Nguyễn Thị Oanh giành ba HCV các nội dung 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m. Trong đó, Oanh phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 52 giây 44. Thành tích này vẫn kém thành tích HCV tại ASIAD 2018 là 9 phút 36 giây 52, của Huy chương bạc là 9 phút 40 giây 03 và thành tích Huy chương đồng của chính Oanh là 9 phút 43 giây 83. 

Trong khi đó, chuẩn Olympic Paris 2024 của nội dung này là 9 phút 23 giây. Hay nhà đương kim vô địch ASIAD nội dung nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo (thành tích 6m55) chỉ đạt thành tích 6m38 ở SEA Games 31, trong khi chuẩn Olympic 2024 ở nội dung này là 6m86. 

Chính vì vậy trong thời gian tới, thể thao Việt Nam cần sàng lọc những nội dung thế mạnh, có tiềm năng của điền kinh để đầu tư dài hạn cho đấu trường ASIAD và Olympic. Quá trình đầu tư này cần có thời gian, có thể từ 5 đến 10 năm và bắt đầu từ những tài năng trẻ. 

Hiện tại, chúng ta vẫn còn làm kiểu dàn trải đầu tư với chu kỳ ngắn hạn, trong khi nhiều tuyển thủ điền kinh đang bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp và chưa có lớp trẻ tài năng thay thế. 

Ở Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 11 vừa qua, đã lấp ló những tín hiệu khả quan qua thành tích nổi bật của vận động viên 17 tuổi Trần Thị Nhi Yến ở cự ly 100m nữ và một số vận động viên trẻ khác song những viên “ngọc thô” như Nhi Yến rất hiếm. 

Cũng như các môn thể thao khác, trở ngại lớn của điền kinh Việt Nam vẫn là kinh phí đầu tư. Là môn nhóm 1, song mỗi năm điền kinh chỉ được đầu tư chưa tới năm tỷ đồng, cho nên không đủ trang trải cho rất nhiều hoạt động, từ đó chi phí cho việc tập huấn, thi đấu cũng bị hạn chế. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng cần năng động hơn trong công tác xã hội hóa thể thao để có thêm nguồn tài chính hỗ trợ cho các tài năng.

Theo Nhân Dân