Thứ 7, 09/11/2024, 22:21[GMT+7]

Những bộ môn kỳ lạ từng diễn ra trong các kỳ Olympic

Chủ nhật, 11/08/2024 | 10:16:55
1,351 lượt xem
Ít ai biết rằng Olympic từng có các môn thi đấu rất thú vị như kéo co, đấu súng đối kháng, bắn chim, đua thuyền máy hay thi đấu liên quan tới nghệ thuật.

Kéo co từng là một nội dung thi đấu tại Olympic. (Nguồn: CNN)

Cho đến thời điểm hiện tại, có thể bạn đã biết rằng nhảy breaking hay Bboy đã được đưa vào Olympic Paris 2024 với tư cách một bộ môn thi đấu. Điều này đã dấy lên những bàn luận và tranh cãi về việc môn thể thao nào mới thực sự xứng đáng được đưa vào giải đấu toàn cầu này. 

Để xoa dịu tranh cãi, ban tổ chức Olympic đã phải tạo nên một trang giải đáp (FAQ) để giải thích vì sao nhảy breaking lại được đưa vào Thế Vận hội lần này. Nhảy breaking không phải là một môn truyền thống từng có ở các kỳ Olympic trước đây. Nhưng nó cũng không phải trường hợp đặc biệt duy nhất, bởi người ta từng đưa vào nhiều môn thể thao được cho là “kỳ lạ” hay “không phù hợp”:

Kéo co

Đối với hầu hết chúng ta, kéo giống như một trò chơi chỉ dành riêng cho những đứa trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa hay các trại Hè. Nhưng 20 năm trước đây, đây từng là một trong những môn có tính cạnh tranh khắc nghiệt, cao nhất tại các kỳ Olympic. Vương quốc Anh đã hoàn toàn áp đảo các nước khác, khi giành tới 5/10 huy chương vàng ở bộ môn này.

Kéo co xuất hiện lần cuối trong Thế Vận hội mùa Hè Antwerp 1920, tại đó một đội tuyển với đội hình toàn cảnh sát từ London đã giành được vị trí cao nhất.

Bắn chim

Bắn súng vẫn luôn là một phần trong Olympic kể từ khi bộ môn này góp mặt lần đầu. Trong những ngày gần đây, một tay súng Thổ Nhĩ Kỳ với lối thi đấu ung dung nhàn tản như của một "ông chú" đi dạo chơi, hay phong cách thi đấu “cool ngầu” của một tay súng nữ Hàn Quốc tại Olympic Paris đã khiến cõi mạng dậy sóng. Nhưng bộ môn này còn có những bí mật hay ho hơn nữa.

Mục tiêu thi đấu ở Olympic đã từng có những con chim bồ câu. (Nguồn: CNN)

Từ trước đến nay, mục tiêu cho phần thi bắn súng luôn là vật tĩnh, chỉ trừ vào năm 1900, cũng tại Olympic Paris, ban tổ chức đã đưa ra quyết định khác. Họ thay những mục tiêu tĩnh bằng những chú chim bồ câu và các vận động viên sẽ phải bắn hạ càng nhiều con càng tốt. Sau cùng, đã có khoảng 300 con bồ câu bị giết trong Thế Vận hội lần đó. Người thắng cuộc là một tay súng đến từ nước Bỉ có tên Léon de Lunden, người lập kỷ lục Guinness vì bắn hạ 21 con trong giải đấu.

Đấu súng lục đối kháng

Đôi khi, những kỳ Olympic có thể trở nên rất căng thẳng và ban tổ chức muốn có thứ gì đó thú vị hơn là những mục tiêu bằng giấy. Môn bắn chim tại kỳ Olympic Paris 1900 đã không bao giờ xuất hiện trở lại. Nhưng bước sang năm 1908, người ta lại đưa vào nội dung thi đấu môn đấu súng lục đối kháng.

Hai vận động viên sẽ đứng cách nhau một khoảng cách nhất định và được mặc đồ bảo hộ. Đồng thời, đạn nạp vào súng chỉ là đạn sáp và không thể gây sát thương lớn. Hai vận động viên sẽ chĩa súng bắn vào nhau và được tính điểm để xem ai sẽ thắng. Ta hoàn toàn có thể hình dung được độ gay cấn và cả nguy hiểm của bộ môn này.

Vài năm về trước, đã có một số ý kiến muốn mang bộ môn đấu súng đối kháng này trở lại. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự xuất hiện của cả bộ môn súng trường đối kháng nữa. 

Bơi vượt chướng ngại vật

Vẫn tại Olympic Paris 1900, một môn thể thao khá giống những gì diễn ra trong các công viên nước hiện nay đã ra đời - đó là bơi vượt chướng ngại vật. Các kình ngư sẽ phải bơi 200m xuôi theo sông Seine tại Paris trong khi phải vượt qua các chướng ngại vật được đặt khắp đường đua bơi.

Bơi vượt chướng ngại vật tại Olympic Paris 1900. (Nguồn: CNN)

Năm đó kình ngư người Australia Frederick Lane đã giành được Huy chương Vàng với thành tích 2 phút 38,4 giây. Lane có phong độ tốt tới mức ở trong bộ môn bơi 200m không có chướng ngại vật, anh vẫn mang về thêm một HCV khác. Thành tích của anh được coi như một kỷ lục trong Olympic, đơn giản vì môn bơi vượt chướng ngại vật chỉ xuất hiện vào đúng năm đó nên không ai có thể phá nó.

Đua thuyền máy

Olympic từ lâu đã luôn cấm các môn thể thao phải dựa vào máy móc quá nhiều. Đó là lý do mà chúng ta không thấy những môn như đua xe xuất hiện trong kỳ Thế Vận hội.

Tuy nhiên trong Olympic London 1908, các nhà tổ chức đã cho phép môn đua thuyền máy được góp mặt, với đường đua dài 40 hải lý. Tuy nhiên, theo một báo cáo thì việc đua thuyền trên biển khiến môn này trở nên rất rủi ro, nguy hiểm cũng như đã cướp hết niềm vui chiến thắng của các vận động viên, trừ những người đam mê nhất.

Năm đó chỉ có duy nhất hai đội Pháp và Vương quốc Anh tham gia. Tất nhiên, cả hai đội cũng nhận về tất cả các huy chương trong môn này. Kể từ năm 1908, đua thuyền máy không bao giờ xuất hiện trở lại.

Nghệ thuật

Từ 1912 đến 1948, các huy chương của Olympic không chỉ dành cho thể thao mà còn cả cho các môn thi đấu liên quan tới nghệ thuật, như văn học, kiến trúc, âm nhạc, điêu khắc hay vẽ tranh. Chúng ta có thể hình dung Olympic có những nội dung thi đấu như vẽ bản thiết kế cho một thị trấn, hay hát đồng ca.

Cha đẻ của Olympic hiện đại, Nam tước Pierre de Coubertin, người rất muốn tái tạo nét đặc trưng của Hy Lạp cổ đại đã có một tầm nhìn rất xa về điều này. Ông viết vào năm 1904 rằng: “Vào thời kỳ đỉnh cao của Olympia, nghệ thuật đã được kết hợp hài hòa với Thế Vận hội để tạo nên sự vẻ vang cho sự kiện. Rồi có ngày, điều này sẽ trở thành hiện thực thêm một lần nữa”.

Các cuộc thi đấu nghệ thuật được tổ chức lần đầu tiên tại Olympic Stockholm vào năm 1912 và có sự góp mặt của một số vận động viên thông thường. Alfréd Hajós, người đã giành HCV đầu tiên ở môn bơi lội vào năm 1896, đã giành HCB môn kiến trúc tại Olympic 1924.

Một nhân vật cũng đầy thú vị là De Coubertin, người đã gửi tới bài thơ “Ode to Sport” dưới một bút danh khác và giành được HCV tại Olympic Stockholm.

Các bộ huy chương về nghệ thuật cuối cùng được trao tại Olympic London 1948, sau khi ban tổ chức nhận định rằng hầu hết các thí sinh trong những hạng mục này đều rất chuyên nghiệp và không gắn với tinh thần dành cho người nghiệp dư của Thế Vận hội.

Bơi nghệ thuật cá nhân

Dù nghe có vẻ mâu thuẫn về mặt ngôn từ (bởi bơi nghệ thuật thường diễn ra theo nhóm), môn thể thao này lại rất cạnh tranh và đã xuất hiện ở ba kỳ Olympic liên tiếp.

Tracie Ruiz-Conforto thi đấu tại Olympic Los Angeles 1984. (Nguồn: CNN)

Ra mắt tại Olympic Los Angeles 1984, vận động viên bơi lội người Mỹ Tracie Ruiz-Conforto đã mang về HCV đầu tiên. Và chỉ sau một thời gian ngắn tập thể hình để lấy lại phong độ, cô tiếp tục giành thêm một HCB với bộ môn bơi sở trường tại Olympic Seoul 1988. 

Dù khá đặc biệt nhưng môn bơi nghệ thuật cá nhân không gây được nhiều sự chú ý với người xem nên sau Olympic 1992 nó đã biến mất. Ngày nay bơi nghệ thuật chỉ được thi đấu dưới hình thức theo đôi hoặc theo nhóm./.

Theo Vietnam+