Thứ 7, 23/11/2024, 21:43[GMT+7]

Tiền Hải phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm

Thứ 2, 17/12/2018 | 09:03:17
785 lượt xem
Trong bối cảnh thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, biến động nền nhiệt lớn giữa ngày và đêm; đồng thời, theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại làm gia súc, gia cầm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn và các bệnh về đường hô hấp...

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Tiền Hải chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.

Toàn huyện Tiền Hải hiện có tổng đàn trâu, bò 5.374 con, đàn lợn 121.755 con, đàn gia cầm 1,36 triệu con. Trong bối cảnh thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, biến động nền nhiệt lớn giữa ngày và đêm; đồng thời, theo dự báo của ngành chuyên môn, thời gian tới thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại làm gia súc, gia cầm dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn và các bệnh về đường hô hấp..., vì vậy, ngay từ thời điểm này, huyện đã tích cực chỉ đạo các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, vệ sinh, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho vật nuôi; khuyến cáo các hộ chăn nuôi chú trọng giữ nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, đối với nền chuồng gà, trâu, bò cần rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm chân và tăng nhiệt độ trong chuồng. Chuồng trại cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải, che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa - nhất là vào ban đêm. Hạn chế việc chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC. Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả gia súc, gia cầm hợp lý. Khẩu phần ăn cần bảo đảm đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng vật nuôi. 

Ngoài các biện pháp chống rét cho gia súc, gia cầm nêu trên, các hộ chăn nuôi cần đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Chú ý, trong điều kiện rét đậm, rét hại, các hộ chăn nuôi cũng nên chuẩn bị đầy đủ củi, trấu đốt để sưởi ấm cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, vật nuôi khi mới tái đàn vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột phải bổ sung thuốc kháng sinh và tăng cường vitamin trợ sức. Ngoài ra, các địa phương thực hiện tốt vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tập trung vào những khu dân cư, nơi có ổ dịch cũ, các trang trại chăn nuôi tập trung nhằm chủ động ngăn chặn mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường...

Gia trại của gia đình ông Vũ Ngọc Huyến tại xã Đông Cơ nuôi 10 con bò và 2.000 con gà đẻ. Những ngày gần đây, khi thời tiết chuyển rét, ông Huyến đã thắp điện sưởi bảo đảm gia cầm sinh trưởng tốt, không bị bệnh về đường hô hấp. Đối với đàn bò, ông không chăn thả vào sáng sớm và khi thời tiết quá lạnh. Chuồng trại được che bạt cẩn thận để hạn chế gió lùa. Ban đêm ông đốt lửa giữ ấm cho đàn vật nuôi. Ngoài thức ăn là cỏ, để tăng sức đề kháng cho vật nuôi, ông cho bò uống thêm muối, ăn thức ăn nhiều tinh bột.

Cũng như ông Huyến, ông Phạm Văn Quang ở xã Đông Lâm đã triển khai giải pháp chống rét cho đàn trâu của gia đình bằng cách không thả rông vào những ngày thời tiết rét hại. 

Ông Quang chia sẻ: Ngay khi không khí lạnh về, gia đình đã chủ động che bạt, phủ rơm xung quanh chuồng để giữ ấm cho đàn trâu. Những ngày tới, nếu nhiệt độ còn xuống thấp hơn nữa gia đình tôi sẽ phải đốt chậu than củi đặt trước cửa chuồng để giữ ấm. Ngoài ra, tăng cường rơm có bổ sung thức ăn giàu chất khoáng, tinh bột cho đàn trâu. 

Trong đợt tiêm phòng vụ thu đông, ông Quang đã chủ động tiêm vắc-xin chống lại các bệnh truyền nhiễm như lở mồm long móng thường hay xảy ra khi nhiệt độ xuống thấp.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày