Chủ nhật, 24/11/2024, 04:09[GMT+7]

Kinh tế Việt Nam 2019 được dự báo có thể tăng hơn 7%

Thứ 2, 17/12/2018 | 16:08:49
901 lượt xem
Nhiều ý kiến nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 có thể đạt tới 7%, thậm chí nếu quyết liệt cải cách thì tăng trưởng sẽ đạt mức kỷ lục 7,06%.

Kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 và 2018.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 và 2020. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,84%/7,02% (kịch bản cơ sở/kịch bản cao) trong năm 2019 và 7%/7,2% năm 2020.

Báo cáo của NCIF chỉ ra rằng, giai đoạn 2016 - 2018 vừa qua tăng trưởng kinh tế trên đà hồi phục tuy vậy cải thiện chất lượng tăng trưởng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Năng suất lao động tuy được cải thiện xong vẫn ở mức thấp. Tác dụng của cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ nét. Nợ công thời gian qua tuy có giảm nhưng nợ nước ngoài và nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tiệm cận với giới hạn an toàn…

Điểm tích cực là tín dụng thời gian qua được điều hành hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định; lạm phát và tỷ giá được kiểm soát là tiền đề cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng.

Ông Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích - Dự báo (NCIF) đánh giá bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến hết sức khó lường, do vậy để đưa ra những dự báo chính xác về tăng trưởng kinh tế thế giới, qua đó tác động đến kinh tế Việt Nam như nào là hết sức khó khăn.

Dù vậy, có một xu hướng chung là kinh tế thế giới và thương mại quốc tế được dự báo sẽ suy giảm trước những biến động của giá hàng hoá quốc tế và việc thắt chặt chính sách tiền tệ của một số nước lớn hay chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia.

Trong khi đó, tình hình trong nước có vẻ sáng sủa hơn khi thương mại được thúc đẩy thông qua thực hiện và tham gia vào các hiệp định thương mại (FTA); tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh được tăng cường; tăng tiêu dùng do gia tăng tầng lớp trung lưu...

Tuy nhiên, ông Đặng Đức Anh vẫn cảnh báo, dư địa cho chính sách tài khoá và tiền tệ đang dần hạn hẹp, do vậy sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới sẽ lớn hơn…

Với các động lực tăng trưởng đã được Chính phủ chỉ rõ và nhấn mạnh trong nhiều sự kiện gần đây, là phát triển khu vực tư nhân, cải cách thể chế, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, NCIF xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 như trên. Sự khác nhau giữa hai kịch bản phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tỷ lệ chi đầu tư phát triển.

Đồng tình với yếu tố kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần xây dựng thêm kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước bối cảnh thế giới như vậy, cần có dự báo nếu có “biến” lớn xảy ra thì thế nào?

"Cần xét đến một trạng thái khác hẳn, như sút giảm xuất khẩu, bất ổn vĩ mô, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... NCIF cần đưa ra kịch bản xấu nhất để tính trước đối sách", ông Lưu Bích Hồ đề xuất.

Nguyên Viện trưởng cũng bày tỏ lo lắng khi tăng trưởng trong ngắn hạn có thể cho là tạm ổn, nhưng nền tảng tăng trưởng cho giai đoạn trung, dài hạn vẫn chưa được định hình. Động lực tăng trưởng chính là khu vực tư nhân vẫn bị kìm hãm, gặp nhiều khó khăn do cải cách bộ máy nhà nước diễn ra còn chậm, không đồng đều giữa các cấp, vì vậy dù nhiều chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển khu vực này nhưng vẫn chưa đi được vào cuộc sống.

Trong khi đó, phát biểu tại một hội thảo gần đây, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nhạn định các năm 2017 - 2018 đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 2 năm tới.

“Chưa đi hết năm 2018, nhưng chúng ta có thể dự báo tăng trưởng 7% là trong tầm tay của Chính phủ”, ông Thiên nhận định. Tuy nhiên, ông Thiên cũng khẳng định, dù Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng phải đạt được theo kế hoạch, nhưng không phải bằng mọi giá.

Với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là mức tối thiểu, còn sang năm 2019 con số tăng trưởng có thể đạt được 7% và sang năm nữa cũng gần 7%, ông Thiên dự báo. Theo ông Thiên, điều sẽ tạo nên sự khác biệt của 2 năm tới là làm sao để CPTPP có hiệu quả và chi tiêu ngân sách hiệu quả, giảm chi thường xuyên.

Theo ông Thiên, nếu Chính phủ quyết liệt cải cách, năm 2019 rất có thể tăng trưởng GDP sẽ đạt mức kỷ lục tăng trưởng 7,06%.

Từ phía các tổ chức nước ngoài, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018 trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam đi theo xu hướng giảm toàn cầu.

Theo báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mới được WB công bố tuần trước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng dù có nhiều trở lực từ bên ngoài. Điều này có được nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp với sự tăng động của các ngành chế biến, chế tại theo định hướng xuất khẩu.

Nghiên cứu của ngân hàng này cho thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự báo vẫn ở mức 6,8%, thậm chí là cao hơn mức này, như vậy cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, tốc độ này có thể giảm dần trong trung hạn, theo xu hướng chung của thế giới. Cụ thể, GDP Việt Nam giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019, 2020. Lạm phát vẫn được kiểm soát, theo World Bank, ở mức thấp dưới 4% nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá cao những gì Việt Nam đã đạt được trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức. Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng cơ hội, lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu và cải thiện hiệu suất đầu tư công.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày