Thứ 4, 13/11/2024, 09:11[GMT+7]

Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước

Thứ 7, 29/12/2018 | 09:47:29
869 lượt xem
Năm 2018, mặc dù triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tổng cục Thuế và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên và cộng đồng người nộp thuế, ngành Thuế Thái Bình đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần tích cực vào cân đối ngân sách địa phương.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Đông Hưng kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH Vàng bạc Mão Thiệt.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Đặng Hồng Kỳ, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả thu ngân sách ngành Thuế đã đạt được trong năm 2018? 

Ông Đặng Hồng Kỳ: Đến thời điểm này, ngành Thuế đã cán đích an toàn với tổng thu nội địa ước đạt 6.788 tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán Bộ Tài chính. Trừ tiền sử dụng đất, số thu từ thuế, phí và thu khác ước đạt 5.340 tỷ đồng, đạt 102,9% dự toán Bộ Tài chính. Đây là năm tiếp theo sau nhiều năm liên tiếp ngành Thuế đạt và vượt dự toán thu với số tăng tuyệt đối ước đạt 397 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao. Toàn ngành đã có 13/13 chỉ tiêu hoàn thành dự toán được giao, trong đó nhiều chỉ tiêu thu đạt tỷ lệ khá và tăng cao so với cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương (tổng thu 302 tỷ đồng, đạt 128,3% dự toán Bộ Tài chính), thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (tổng thu 165 tỷ đồng, đạt 126,9% dự toán Bộ Tài chính), thu tiền sử dụng đất (tổng thu 1.450 tỷ đồng, đạt 120,8% dự toán Bộ Tài chính), thu lệ phí trước bạ (tổng thu 270 tỷ đồng, đạt 128,5% dự toán Bộ Tài chính). 

Phóng viên: Trong quá trình triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, ngành Thuế gặp những khó khăn gì, thưa ông? 

Ông Đặng Hồng Kỳ: Có thể nói, năm 2018, ngành Thuế đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu NSNN. Một số nguồn thu lớn trên địa bàn đã bị sụt giảm so với mục tiêu dự toán được giao như: thu tiền cho thuê đất (do không phát sinh số tiền thuê đất một lần nên dự kiến hụt dự toán khoảng 65 tỷ đồng), thuế bảo vệ môi trường (dự kiến hụt dự toán khoảng 220 tỷ đồng do khi xây dựng dự toán dự kiến tăng thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu từ ngày 1/7/2018 nhưng Quốc hội không thông qua); dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ nên số thuế nhà thầu phát sinh thấp... Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy có dấu hiệu phục hồi song tốc độ vẫn còn chậm; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, tạm nghỉ kinh doanh vẫn còn cao. Những thay đổi về cơ chế, chính sách cũng có tác động không nhỏ đến công tác thu ngân sách trong toàn ngành. 

Hộ kinh doanh Hồng An (khu Nhân Cầu 2, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà) luôn chấp hành nghiêm nghĩa vụ thuế.

Phóng viên: Đến thời điểm hết tháng 11/2018, tổng thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện mới chỉ đạt 83,7% dự toán. Như vậy, trong tháng 12, ngành Thuế đã có những giải pháp gì để hoàn thành dự toán mà Bộ Tài chính đã giao, thưa ông? 

Ông Đặng Hồng Kỳ: Theo số liệu tổng hợp, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2018 thì trong tháng 12 ngành Thuế phải thu tối thiểu 1.042 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn và rất khó thực hiện. Chính vì thế, để bảo đảm cân đối NSNN năm 2018, ngành Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh mời gặp các doanh nghiệp có số nộp thuế lớn để hỗ trợ đơn vị, tháo gỡ khó khăn đồng thời động viên các doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong việc thực hiện nộp NSNN. Tập trung cho việc đôn đốc thu hết số thuế phát sinh; đẩy mạnh việc rà soát, thanh tra, kiểm tra, để phát hiện các khoản thu mới... để tăng thu cho ngân sách. Triển khai thực hiện đề án thu nợ đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung bố trí làm việc trực tiếp với từng đơn vị nợ thuế, nắm bắt tình hình thực tế và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, động viên, thống nhất lịch nộp nợ với đơn vị; triển khai thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những đơn vị chây ỳ theo đúng quy trình như: áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, triển khai thu hồi nợ thuế qua bên thứ ba có nắm giữ tiền và tài sản; chủ động phối hợp với các sở, ngành trong công tác thu nợ; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của ngành. 

Phóng viên: Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, xin ông cho biết, thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã được ngành Thuế triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Hồng Kỳ: Với phương châm luôn đồng hành cùng người nộp thuế, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh luôn thực hiện nghiêm các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế và thời hạn giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông với các sở, ngành và Trung tâm Hành chính công tỉnh; chủ động công khai các thủ tục hành chính thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, ngành Thuế còn chú trọng triển khai thực hiện công tác kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử. Đến nay đã có 98,7% người nộp thuế thực hiện kê khai thuế điện tử, 95,2% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và với ngân hàng thương mại. Về công tác hoàn thuế điện tử, toàn ngành đã nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ hoàn thuế tại cơ quan thuế đối với 100% doanh nghiệp hoàn thuế GTGT trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa, trường hợp đầu tư. Ngoài ra, ngành Thuế còn phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện ứng dụng trao đổi thông tin giữa các cơ quan thuế - kho bạc - hải quan, việc cập nhật dữ liệu cơ bản được thực hiện theo đúng quy trình nhận dữ liệu, bảo đảm dữ liệu thu ngân sách được cập nhật kịp thời, số liệu thống nhất giữa các cơ quan. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hương
(thực hiện)