Thứ 7, 23/11/2024, 23:48[GMT+7]

10 sự kiện, nhân vật đáng nhớ của thể thao Việt Nam 2018

Thứ 2, 31/12/2018 | 08:49:40
2,106 lượt xem
Trong năm rực rỡ nhất của bóng đá Việt Nam, môn thể thao vua xứng đáng có những vị trí trang trọng trong danh sách 10 sự kiện, nhân vật đáng nhớ của thể thao Việt Nam 2018.

Một năm rực rỡ của thể thao Việt Nam đã khép lại với hàng loạt thành công ở nhiều môn quan trọng. Đồ họa: Minh Phúc.

Năm 2018 đang đi tới ngày cuối cùng, khép lại chặng đường rực rỡ của thể thao Việt Nam. Từ Thường Châu tuyết trắng tới thảm cỏ Gelora Bung Karno, từ đường đua rowing Palembang tới đêm hoa đăng Mỹ Đình, những kỷ niệm tươi đẹp của U23 Việt Nam, Bùi Thị Thu Thảo, đội tuyển rowing và AFF Cup sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu thể thao.

Nhân dịp năm cũ sắp qua, năm mới đương đến, Zing.vn xin gửi tới độc giả bình chọn 10 sự kiện, nhân vật thể thao Việt Nam đáng nhớ năm 2018.

HLV Park Hang-seo (trái) chắc chắn là cái tên để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong làng thể thao Việt Nam 2018. Ảnh: Minh Chiến.

1. Nhân vật và HLV của năm: Park Hang-seo

Không có đối thủ xứng tầm ở hạng mục này, HLV Park Hang-seo xứng đáng là nhân vật thể thao kiêm HLV hay nhất năm 2018 của thể thao Việt Nam. Sự xuất hiện của ông Park Hang-seo đã mở ra kỷ nguyên thành công chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam và thổi nguồn cảm hứng mạnh mẽ vào hàng loạt lĩnh vực khác.

Chỉ trong một năm, ông Park đã đưa U23 Việt Nam tới trận chung kết Giải U23 châu Á, Olympic Việt Nam tới bán kết ASIAD, tuyển Việt Nam tới ngôi vô địch AFF Cup 2018. Ông vượt qua Alfred Riedl, Henrique Calisto để trở thành HLV thành công nhất lịch sử đội tuyển. Ông xây dựng mối quan hệ thân tình với các cầu thủ, trọng dụng Anh Đức, nâng tầm Đình Trọng, đưa Quang Hải tiến vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt.

Mọi cử chỉ, mọi hành động, mọi lời nói của ông đều khác biệt và độc đáo. Ông trở thành biểu tượng chiến thắng của bóng đá Việt Nam, trở thành cầu nối hai đất nước Việt Nam, Hàn Quốc. Hình ảnh Park Hang-seo xuất hiện và phủ sóng trên mọi phương tiện truyền thông. Nhờ có Park Hang-seo, lần đầu tiên sau nhiều năm, bóng đá trở thành niềm tự hào của thể thao Việt Nam khi năm 2018 khép lại.

Đương nhiên, chúng ta không thể quên đi những HLV khác. Đó là Nguyễn Mạnh Hiếu của điền kinh, Lê Văn Quang của rowing, họ đều đã góp công lớn trong những chiến thắng rực rỡ của thể thao Việt Nam một năm qua.

Quang Hải (trái) và Bùi Thị Thu Thảo đều đã có một năm thành công rực rỡ. Ảnh: Minh Chiến.

2. VĐV của năm: Nguyễn Quang Hải vs Bùi Thị Thu Thảo

Zing.vn tin rằng hạng mục VĐV của năm là lựa chọn khó khăn cho tất cả khi Bùi Thị Thu Thảo và Nguyễn Quang Hải đều tỏ ra quá xứng đáng.

Thu Thảo giành HCV ASIAD 18 nội dung nhảy xa chỉ sau một cú nhảy. Cô giành chiến thắng thuyết phục trước các đối thủ bằng phong độ ổn định xuyên suốt 2 năm tính từ SEA Games 2017. HCV của Thu Thảo giành được ở một nội dung thi đấu quan trọng của điền kinh - môn nền tảng quan trọng nhất lịch sử thể thao.

Bên cạnh Thu Thảo, Quang Hải cũng có một năm rực rỡ. Đương kim Quả bóng vàng Việt Nam 2018 là cầu thủ hay nhất trong 3 chiến công lớn của bóng đá Việt, là MVP tại AFF Cup 2018.

Hai người họ, một người nổi tiếng với đại chúng, một người xuất chúng với giới chuyên môn. Họ đều không cao nhưng là những cái tên Việt Nam đã khiến cả châu lục phải ngước nhìn.

U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á 2018 là điểm khởi đầu cho thành công của bóng đá năm vừa qua. Ảnh: Hoàng Hà.

3. Đội tuyển thể thao của năm: U23 Việt Nam

Giống như bình chọn VĐV của năm, đội tuyển của năm cũng là một lựa chọn khó khăn khi tuyển bóng đá nam quốc gia, đội Olympic Việt Nam hay tuyển rowing đều đã có một năm rực rỡ. Nhưng Zing.vn tin rằng lựa chọn U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á 2018 ở Trung Quốc sẽ là quyết định chính xác.

Bởi chính họ với tấm HCB châu lục trong đêm Thường Châu tuyết trắng là nơi khởi đầu cho hành trình chinh phục đẹp đẽ của bóng đá Việt Nam. Danh hiệu có được ở Trung Quốc đã đem tới cho các tuyển thủ sự tự tin, giúp tất cả nhận ra sức mạnh và ý chí Việt Nam có thể tạo nên điều kỳ diệu đến nhường nào.

Sau U23 châu Á, vẫn là những Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng làm nòng cốt các đội tuyển Olympic và tuyển quốc gia. Sau lứa Hồng Sơn 1998 và Công Vinh 2008, lứa U23 của Quang Hải là “thế hệ vàng thứ ba”, thế hệ đẹp nhất của bóng đá Việt.

Đỗ Duy Mạnh khiến người người xúc động với hành động cắm cờ và cúi đầu trước lá cờ tổ quốc. Ảnh: Hoàng Linh.

4. Khoảnh khắc của năm: Duy Mạnh cắm cờ đào trên đất Thường Châu

Giữa bão tố Thường Châu, một lá cờ đào được dựng lên hiên ngang ngạo nghễ. Dưới chân lá cờ ấy, Duy Mạnh nghiêng mình, cúi đầu kính cẩn. Hình ảnh ấy mãi khắc sâu vào trái tim hàng triệu người hâm mộ Việt Nam như là biểu tượng tuyệt đẹp cho sự vươn lên mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam, là cột mốc đánh dấu một chiến công phi thường chưa từng có.

Nhưng đó không phải là hình ảnh đẹp duy nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2018. Bàn thắng hình cầu vồng của Quang Hải ở trận chung kết, hình ảnh Xuân Trường và đồng đội cào tuyết dọn chỗ cho Quang Hải sút phạt, dáng đứng ngạo nghễ của Văn Thanh, phút đăng quang của Bùi Thị Thu Thảo hay những giọt nước mắt Ánh Viên trong phòng thay đồ tại ASIAD 18... đó đều là những khoảnh khắc chạm vào trái tim của thể thao Việt Nam.

Không mang tới niềm hứng khởi, nhưng Đại hội VFF khóa VIII mới là sự kiện có ảnh hưởng lớn tới bóng đá Việt Nam 4 năm tới. Ảnh: VFF.

5. Sự kiện của năm: Đại hội VFF khóa VIII

Không phải AFF Cup 2018 hay ASIAD 18, Đại hội VFF khóa VIII mới là sự kiện kéo dài nhất, gây nhiều tranh cãi nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới bóng đá Việt Nam trong năm 2018 và tương lai trung hạn sắp tới.

Được dự kiến tổ chức sau Tết Nguyên đán, Đại hội VFF đã hoãn đi hoãn lại hết ngày này tới ngày khác và chỉ được tổ chức sau đó 9 tháng - hôm 8/12 tại Hà Nội. Quá trình chuẩn bị Đại hội cũng tạo ra hàng loạt tranh cãi, đấu đá cả trong và ngoài nội bộ Liên đoàn. Nhiều ứng viên tiềm năng đã phải rút lui, nhiều scandal đã nổ ra.

Sau tất cả, Đại hội VFF khóa VIII chứng kiến sự thay đổi lớn trong hàng ngũ lãnh đạo. Phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký Lê Hoài Anh và Ủy viên Trần Anh Tú là những người còn lại từ Đại hội VII. Chủ tịch Lê Khánh Hải, Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ Cấn Văn Nghĩa cùng Phó Chủ tịch truyền thông Cao Văn Chóng là ba gương mặt mới được chọn.

Việc Thứ trưởng Lê Khánh Hải đắc cử kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn ổn định thượng tầng kéo dài cho bóng đá Việt Nam, là nền tảng để các đội tuyển tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới.

Huy Hoàng khiến đường đua xanh châu Á dậy sóng khi cạnh tranh sòng phẳng với huyền thoại Trung Quốc Sun Yang. Ảnh: Tiến Tuấn.

6. Ngôi sao mới của năm: Nguyễn Huy Hoàng

Được biết tới hồi năm ngoái trong cuộc cạnh tranh nội bộ của làng bơi Việt Nam trước thềm SEA Games 2017, Huy Hoàng chỉ mất thêm một năm để trưởng thành vượt bậc và tỏa sáng rực rỡ tại ASIAD 18.

Kình ngư sinh năm 2000 giành HCB nội dung 1500 m tự do và HCĐ 800 m tự do. Anh có màn rượt đuổi đầy kịch tính và từng vượt lên trước huyền thoại Trung Quốc Sun Yang ở vài thời điểm. Màn trình diễn đầy xúc cảm của Huy Hoàng báo hiệu sự ra đời của một ngôi sao bơi lội mới - người sẽ thay thế Nguyễn Thị Ánh Viên trở thành hy vọng của Việt Nam trên đường đua xanh châu lục.

Bên cạnh Huy Hoàng, năm 2018 cũng chứng kiến sự trưởng thành của Phan Văn Đức và Trần Đình Trọng. Từ vị trí dự bị ở U23 châu Á, Văn Đức kết thúc năm với danh hiệu Quả bóng đồng còn Đình Trọng nổi lên như là trung vệ hay nhất bóng đá Việt Nam hiện tại.

Cựu giám đốc Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa bất ngờ trúng cử Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF. Ảnh: Minh Chiến.

7. Nỗi thất vọng của năm: Cấn Văn Nghĩa

Chưa có kinh nghiệm quản lý bóng đá đỉnh cao, không phải doanh nhân và đặc biệt dính nhiều bê bối tài chính trong thời gian quản lý Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa vẫn bất ngờ vượt qua hàng loạt đối thủ để trở thành tân Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF.

Việc ông Nghĩa góp mặt trong hàng ngũ lãnh đạo VFF một lần nữa đặt dấu hỏi cho vị trí cực kỳ quan trọng này. Trước ông Nghĩa, người tiền nhiệm Đoàn Nguyên Đức cũng không hoàn thành các lời hứa và tạo ra sự thay đổi lớn trong công tác tài chính VFF.

Bên cạnh ông Nghĩa, thể thao Việt Nam cũng còn nhiều nốt trầm. Đó là thất bại của Ánh Viên, Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn tại ASIAD 18 hay sự ra đi đột ngột của 3 trợ lý trọng tài Việt Nam.

Ông Trần Mạnh Hùng tươi cười bước vào trụ sở VPF một ngày sau vụ lộ băng ghi âm dung tục. Ít giờ sau, ông chính thức xin từ chức. Ảnh: Minh Chiến.

8. Scandal của năm: Băng ghi âm dung tục của ông Trần Mạnh Hùng

Ngày 18/5, làng bóng đá Việt Nam chấn động khi cuốn băng ghi âm cuộc họp nội bộ của VFF bị tung lên mạng. Nội dung cuộn băng là màn đấu khẩu giữa Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng với Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền trong cuộc họp hòa giải nội bộ với sự hiện diện của nhiều quan chức VFF, VPF khác.

Xuyên suốt đoạn băng, đôi bên đã có nhiều lời lẽ dung tục, không phù hợp, xúc phạm, công kích cá nhân, thể hiện văn hóa ứng xử đáng báo động nơi những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam. Nội dung đoạn băng cũng tố cáo những mâu thuẫn luôn tồn tại âm ỉ ở VFF, VPF đồng thời khiến người hâm mộ thêm mất niềm tin vào giới lãnh đạo.

Sau sự việc, ông Trần Mạnh Hùng buộc phải xin từ chức Phó chủ tịch VPF còn ông Dương Văn Hiền vừa trở thành Trưởng ban trọng tài VFF khóa VIII cách đây ít ngày.

Chức vô địch AFF Cup 2018 khép lại một năm rực rỡ của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng.

9. Đỉnh cao của năm: AFF Cup 2018

Trong một năm gặt hái rất nhiều thành công của thể thao Việt Nam, chức vô địch AFF Cup 2018 vẫn nổi lên như là điểm sáng rực rỡ nhất. Đội tuyển của HLV Park Hang-seo khép lại giải đấu với thành tích bất bại (6 thắng, 2 hòa), xô đổ nhiều kỷ lục, giành giải Cầu thủ hay nhất cho Quang Hải, lập nên cột mốc giữ sạch lưới dài nhất với 405 phút của Văn Lâm.

Sau những tấm HCB ở giải châu Á, hạng tư ở ASIAD, chức vô địch AFF Cup là đoạn kết trọn vẹn, là danh hiệu cần thiết để tôn vinh “thế hệ vàng thứ ba” của bóng đá Việt Nam. Chiến thắng tại Mỹ Đình cũng tiếp tục nối dài chu kỳ 10 năm một lần tới vinh quang của bóng đá Việt Nam.

Chia sẻ với báo giới sau trận chung kết, HLV Park Hang-seo khẳng định: “Thời gian được sống và tập luyện cùng các tuyển thủ Việt Nam là một trong những điều đáng nhớ nhất với tôi. Điều tôi ấn tượng nhất là khoảnh khắc nâng cúp vô địch AFF Cup”.

Video: taisao.mp4

'Chúng ta đã nỗ lực hết sức, tại sao phải cúi đầu' Giây phút xúc động khi HLV Park Hang-seo nhắc các tuyển thủ mạnh mẽ đứng dậy sau trận thua và cám ơn khán giả đã đến SVĐ Thường Châu để cổ vũ đội tuyển. Họ đã làm nên lịch sử.

10. Câu nói của năm: Tại sao phải cúi đầu?

“Tại sao phải cúi đầu để làm gì? Chúng ta đã nỗ lực hết sức rồi mà. Tại sao phải cúi đầu?”

HLV Park Hang-seo đã nói điều đó khi đứng giữa đội hình tuyển U23 Việt Nam, động viên họ sau thất bại ở trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu. Ông đập tay thùm thụp lên ngực trái, tuyên bố đầy hào sảng. Đó chắc chắn là câu nói đẹp nhất trong năm của thể thao Việt Nam, là tuyên ngôn đầy ngạo nghễ của một tập thể kiêu hãnh và chiến thắng.

Bên cạnh tuyên bố của ông Park, những câu nói “Tôi định nhảy một phát 6,7 m cho đối thủ cóng luôn” của Bùi Thị Thu Thảo hay “U23 Việt Nam không có ngôi sao, ngôi sao duy nhất chúng tôi có nằm ở bên ngực trái” của Lương Xuân Trường cũng khiến người hâm mộ thể thao rưng rưng xúc động.

Theo zing.vn