Thứ 4, 13/11/2024, 09:19[GMT+7]

Người thầy tâm huyết với thư viện xanh

Thứ 6, 04/01/2019 | 08:46:52
2,938 lượt xem
Sau 9 năm “thai nghén”, năm 2018, mô hình thư viện xanh của thầy giáo Nguyễn Hùng Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng (Quỳnh Phụ) chính thức đi vào hoạt động. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Hùng Sơn với học sinh giành giải nhất cuộc thi Rung chuông vàng toàn trường.

Năm 2009, thầy giáo Nguyễn Hùng Sơn và các đồng nghiệp đã thực hiện hai đề tài khoa học về xanh hóa trường học với nội dung chủ yếu về xây dựng một mô hình thư viện mở ngoài trời nhằm thu hút học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên đọc sách. Đề tài đã được UBND huyện Quỳnh Phụ thẩm định và cấp 25 triệu đồng để thực hiện. 

Trong suốt 8 năm qua, thầy Sơn đã quy hoạch lại nhà trường để tìm một khu đất hợp lý xây dựng thư viện xanh. Bên cạnh đó, thầy đã đi tham khảo mô hình ở rất nhiều trường học trong và ngoài tỉnh. Qua những lần đi thực tế, thầy nhận thấy rằng có rất nhiều mô hình hay, tiết kiệm nhưng chưa phát huy hết được tác dụng của từng bộ phận được sử dụng trong mô hình. 

Thầy Sơn chia sẻ: Sau mỗi chuyến đi, tôi lại hì hụi ngồi vẽ thiết kế cho từng hạng mục công trình. Chỗ nào chưa hợp lý, tôi sửa lại. Cứ như vậy, 6 hạng mục của công trình lần lượt hình thành. Ý tưởng của tôi mỗi ngày lại lớn hơn. Không chỉ dừng lại việc đọc sách, thầy Sơn bắt đầu tìm hiểu về y - sinh học với mong muốn mang lại cho người đọc sách một không gian thoáng đãng, thư giãn và có lợi cho sức khỏe.

Với diện tích khoảng 500m2, thư viện xanh của Trường Tiểu học An Đồng được hợp thành bởi 6 hạng mục với ý nghĩa và vai trò riêng bao gồm: kho sách; nhà đọc sách; đồi cỏ; hồ nước, tiểu cảnh, đài phun nước; đường sỏi và hệ thống cây bóng mát, cây cảnh, cây hoa, thảm cỏ. Trong thư viện xanh, thầy giáo Nguyễn Hùng Sơn sử dụng vỏ chai nước, ống nước để đựng sách thay cho giá, kệ treo lên các cây xanh. Mỗi cây xanh được xem như một giá sách thu nhỏ ứng với mỗi chủ đề khác nhau. Hệ thống ghế đá cho học sinh ngồi đọc sách được sắp xếp phù hợp với hệ thống cây xanh và lối đi. Lối đi trong thư viện xanh là đường zíc zắc khép kín được rải một lớp sỏi cuội. Nếu các em đi chân trần vào đọc sách thì chính những hòn sỏi nhỏ này sẽ tác động vào các huyệt đạo của bàn chân có tác dụng mát xa chân tạo cảm giác thoải mái cho người đọc. Vị trí trung tâm là tiểu cảnh non bộ được kết nối với đồi cây bằng con suối, thác nước vừa tạo không gian mát mẻ, vừa tăng thêm vẻ đẹp và sự hấp dẫn của thư viện. Ngoài ra, thư viện xanh còn có một số vị trí cho các câu lạc bộ như: góc tiếng Anh, âm nhạc, cờ vua, vẽ tranh... Một số tiểu cảnh như: đồi tùng, đồi cọ, hươu, nai, chồn, sóc... có thể xem như những đồ dùng trực quan sinh động, hấp dẫn, cuốn hút, giúp học sinh mở rộng vốn hiểu biết, thích đến thư viện đọc sách hơn.

Thầy Sơn chia sẻ: Để tạo sự đồng thuận trong chính quyền cũng như nhân dân trong xã, ngoài công tác tuyên truyền, tôi và các đồng chí trong Ban giám hiệu đã tổ chức một buổi tọa đàm về một thư viện mở để lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh và chính quyền xã, từ đó thống nhất trong hành động và từng bước thực hiện ý tưởng. Chúng tôi đã nhờ nhóm kiến trúc sư của thành phố Thái Bình để thiết kế chi tiết từng hạng mục nhằm xây dựng dự trù kinh phí khoảng 250 triệu đồng. 

Sau khi thiết kế được thông qua, việc huy động sách, báo cho thư viện xanh cũng là một vấn đề khiến thầy Sơn phải suy nghĩ. Học hỏi kinh nghiệm từ các trường, thầy đã kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và học sinh trong trường. Với thông điệp “đóng góp 1 cuốn sách, các em sẽ được đọc 600 cuốn sách, đóng 2 cuốn sách thì các em sẽ được đọc 1.200 cuốn sách”, thầy Sơn đã kêu gọi học sinh hãy dùng tiền mừng tuổi, tiền tiết kiệm để mua những cuốn sách mới đóng góp vào thư viện xanh. Nhờ đó, số đầu sách của Trường luôn dao động trên 4.000 cuốn sách, báo với các lĩnh vực: văn, toán tuổi thơ, kể chuyện Bác Hồ, giáo dục kỹ năng sống, sách tiếng Anh, tin học...

Nói về lợi ích của thư viện xanh, thầy giáo Nguyễn Hùng Sơn phấn khởi: Các em học sinh rất hào hứng khi được vào đọc sách. Không cần có nhân viên quản lý, cấp thẻ, ghi sổ, các em tự lựa chọn những cuốn truyện mình thích và tự giác trả lại vào vị trí cũ để rồi giờ ra chơi sau lại tiếp tục đọc. Đến với thư viện xanh, các em như bước vào một thế giới sách, truyện với nhiều thể loại như truyện tranh, báo thiếu nhi, truyện thiếu nhi... Thư viện xanh đã góp phần rèn luyện kỹ năng, nâng cao vốn từ, ý tưởng cho học sinh ở các môn học. Đặc biệt, các em có những cảm thụ tốt hơn về văn học, lịch sử, những bài học mang tính giáo dục, góp phần tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cho nhà trường. Không những học sinh trong trường, thư viện xanh còn cuốn hút cả cha mẹ học sinh tới xem và ngồi đọc trong lúc chờ đón các con hết giờ học, tạo ra một nơi chờ đón thân thiện và bảo đảm an toàn giao thông.

Năng động và nhiệt tình, thầy giáo Nguyễn Hùng Sơn luôn có ý chí cầu tiến, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng cống hiến cho những đam mê, là một trong những tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh thân yêu.


Đặng Anh