Thứ 7, 23/11/2024, 17:38[GMT+7]

Điểm tựa cho các khu công nghiệp phát triển

Thứ 6, 18/01/2019 | 08:47:15
4,591 lượt xem
Thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), tổ chức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút dự án đầu tư và quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong các KCN, đó là những hoạt động nổi bật của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trong suốt 15 năm qua.

Lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất của Công ty TNHH May TexHong Thái Bình (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình).

Sự đồng hành của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cùng quá trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành nhân tố, động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong quá trình 15 năm hoạt động, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen, liên tục nhiều năm được tặng cờ thi đua, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND tỉnh.


Nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển các KCN ở Thái Bình, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay vượt bậc, nhất là về thu hút đầu tư. Nếu như năm 2001, Thái Bình chỉ có một KCN Phúc Khánh với diện tích 129,76ha thì đến nay, toàn tỉnh có 7 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 1.411,2ha. Năm 2003, chỉ có 26 dự án đầu tư vào KCN đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (có 1 dự án đầu tư nước ngoài - FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 483,5 tỷ đồng; đến tháng 11/2018 đã có 175 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực (44 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 28.250,87 tỷ đồng, gấp 58,5 lần so với số vốn đăng ký năm 2003. Chất lượng, quy mô các dự án đầu tư vào các KCN cũng được nâng lên: vốn đầu tư bình quân của một dự án là 161,4 tỷ đồng, suất vốn đầu tư đăng ký là 54,65 tỷ đồng/ha đất công nghiệp, cao gấp gần 9 lần so với thời điểm năm 2003.

Các khu công nghiệp thu hút hơn 60.000 lao động trong tỉnh vào làm việc.

Có được những con số ấn tượng như vậy, nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư vào Thái Bình cho biết, công tác quy hoạch các KCN của tỉnh đã đúng, trúng và hấp dẫn được các nhà đầu tư. Dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển các KCN của trung ương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các KCN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng thời kỳ. 7 KCN hiện có gồm: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Gia Lễ, Cầu Nghìn, Sông Trà, KCN phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ được phân bố ở các địa điểm có tiềm năng và lợi thế phát triển. Cơ bản các KCN đều ở gần các trục đường giao thông chính, các vùng có nguồn lao động dồi dào là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Công ty may PS Vina giải quyết việc làm cho 4.000 lao động trong tỉnh.

Đến nay, 90% diện tích đất trong các KCN đã được các nhà đầu tư thuê triển khai dự án và đi vào sản xuất, kinh doanh; trong đó có 3 KCN: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh và Gia Lễ đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Một trong những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh đó là hạ tầng các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngoài số vốn được Chính phủ hỗ trợ, tỉnh đã huy động vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh và Gia Lễ. Tổng vốn đầu tư ngân sách nhà nước đến nay đã đầu tư trên 317 tỷ đồng. Công ty Phát triển hạ tầng KCN (nay là Trung tâm Dịch vụ KCN) là đơn vị sự nghiệp được giao quản lý và đầu tư xây dựng KCN đã sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh đầu tư cho phát triển hạ tầng các KCN còn khó khăn, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Nhờ đó, đã thu hút 4 công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN với số vốn đăng ký 3.965,770 tỷ đồng. Đó chính là những điểm đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng tạo sức hút đầu tư, dự án, nhanh chóng lấp đầy diện tích đất KCN.

Các nhà máy sứ trong khu công nghiệp Tiền Hải sử dụng nguồn khí mỏ phục vụ sản xuất hiệu quả.

Cùng với làm tốt công tác quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, Ban Quản lý chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thiểu thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Duy trì hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Đến nay, Ban Quản lý đã đăng ký và triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 27 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý lao động, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch và xây dựng. Các thủ tục hành chính còn lại đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng thực hiện tốt công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động và bảo đảm an ninh trật tự trong các KCN giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất.

Công ty Cổ phần Xây lắp Tiến Thịnh tham gia xây dựng các công trình dự án trong các khu công nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 145 dự án đang hoạt động trong các KCN; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.212,8 tỷ đồng, chiếm trên 44% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Sự phát triển của các KCN là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp của tỉnh. Các KCN đã thu hút 60.713 lao động; thu nhập bình quân của người lao động từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Những con số ấn tượng đó đã làm cho chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Phía sau thành quả ấy, không thể không nhắc tới vị trí, vai trò và trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh trong suốt 15 năm qua.

Hạ tầng khu công nghiệp Phúc Khánh được đầu tư đồng bộ, hiện đại thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động.


Không hài lòng với những kết quả đạt được, bước vào giai đoạn mới, Ban Quản lý các khu công nghiệp, nay là Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đặt ra những mục tiêu phấn đấu mới cao hơn. Trong đó, tập trung thu hút các dự án lớn vào các KCN đã thành lập, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản lấp đầy diện tích các KCN Tiền Hải, Cầu Nghìn. Nâng cao hơn nữa công tác thẩm tra, xét duyệt các dự án đầu tư vào KCN, khu kinh tế để bảo đảm các tiêu chí về quy mô dự án, công nghệ sản xuất, sử dụng đất đai, môi trường và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đưa tỷ lệ đóng góp của các KCN, khu kinh tế vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh từ mức 44% năm 2018 lên khoảng 60% vào năm 2020 và khoảng 70% vào các năm tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các KCN được thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn quy định. Trước mắt, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hoàn thành trong năm 2019. Hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng các KCN (KCN - đô thị - thương mại dịch vụ Xuân Hải; KCN Thụy Trường, huyện Thái Thụy và KCN phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ). Triển khai lập quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thái Thọ hoàn thành trong năm 2019...

Với 15 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển, sự quyết tâm phấn đấu của Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các bộ, ngành trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tin tưởng khu kinh tế Thái Bình đi vào hoạt động cùng với các KCN trên địa bàn tỉnh sẽ tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tăng tốc, bền vững trong những năm tiếp theo.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Với nhiều cơ chế ưu đãi và chính sách thu hút đầu tư của trung ương, của tỉnh, trong 15 năm qua, chúng ta đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào hạ tầng và sản xuất, kinh doanh tại các KCN. Đến nay, toàn tỉnh có 175 doanh nghiệp (44 doanh nghiệp FDI) đang hoạt động tại 6 KCN, đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 60.000 lao động của tỉnh. Để có được sự phát triển các KCN như hiện nay chính là nhờ sự vào cuộc tích cực, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và sự đồng lòng góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao vai trò của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (nay là Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh) trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Đồng thời, đơn vị cũng làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền về những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại các KCN nên đã hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Thái Bình. Tôi tin rằng, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh sẽ phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong 15 năm qua, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách để hình thành khu kinh tế Thái Bình và phát triển các KCN khác trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong những năm tới.

Ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Sứ Long Hầu, KCN Tiền Hải, huyện Tiền Hải

Từ khi thực hiện cổ phần hóa, 16 năm qua, Công ty Cổ phần Sứ Long Hầu thường xuyên được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (nay là Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh) quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ từ chính sách, pháp luật của nhà nước đến các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng cơ bản, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bảo đảm an ninh trật tự trong các KCN giúp cho các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Sứ Long Hầu yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước, đứng vững trên thị trường và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế vững chắc.

Ông Tsai, Kuei - Lin, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Sumit Việt Nam - Thái Bình, KCN Phúc Khánh, thành phố Thái Bình

Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào KCN Phúc Khánh, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý để thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam; tiếp nhận mặt bằng xây dựng dự án đúng tiến độ; công tác xử lý môi trường và bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Đặc biệt, Ban Quản lý rất quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, xuất nhập khẩu. Công ty TNHH Công nghiệp Sumit Việt Nam - Thái Bình hy vọng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (nay là Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh) tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi mở rộng quy mô dự án, nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới.

Ông Park Kwang Jo, Giám đốc điều hành Công ty PS Vina, KCN Gia Lễ, huyện Đông Hưng

Chúng tôi có hai dự án đầu tư ở KCN Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) và KCN Gia Lễ (Đông Hưng). Có được quy mô mở rộng sản xuất như vậy là nhờ những năm qua, Thái Bình có nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích cho doanh nghiệp phát triển, tiêu biểu là hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Qua quá trình sử dụng gần 4.000 công nhân lao động, chúng tôi đánh giá rất cao trình độ tay nghề, kinh nghiệm nghề may của người lao động tỉnh Thái Bình. Đây là yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng các sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu của đối tác và thị trường xuất khẩu của các nước trên thế giới. Để giúp các doanh nghiệp ngành may mặc phát triển ổn định, chúng tôi mong muốn Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh tham mưu cho tỉnh chính sách quy hoạch, sắp xếp các dự án phù hợp tại các KCN nhằm bảo đảm đủ nguồn lao động làm việc, tránh tình trạng các công ty may khó khăn trong tuyển dụng công nhân như ở nhiều tỉnh, thành phố khác.


Phan Lợi - Khắc Duẩn