Thứ 5, 14/11/2024, 11:13[GMT+7]

Mùa xuân cho doanh nghiệp Việt

Thứ 2, 28/01/2019 | 08:55:00
1,617 lượt xem
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động có ý nghĩa lớn là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất nhiều hàng Việt Nam có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ở Thái Bình, cuộc vận động đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.

Người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thường xuyên sử dụng hàng Việt Nam

Kỳ 1: Kéo người tiêu dùng về với hàng Việt

Kết quả khảo sát, thống kê của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho thấy, hơn 70% người tiêu dùng trong tỉnh thường xuyên sử dụng hàng Việt Nam và ý thức được trách nhiệm, quyền lợi khi ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh. Đây là kết quả rất đáng mừng sau gần 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động.
Tuyên truyền đi đầu 


Ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh cho biết: Có được sự thay đổi thói quen “sính ngoại” và nhận thức về ý nghĩa việc sử dụng hàng Việt Nam của các tầng lớp nhân dân là do công tác tuyên truyền, vận động đã được các cấp, các ngành triển khai một cách sâu rộng, hiệu quả. Ngay sau khi Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 về tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn các cơ quan báo chí, ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Qua hội nghị báo cáo viên chuyên đề, sinh hoạt chi bộ, bản tin thông báo nội bộ về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..., mỗi năm có trên 35.000 lượt cán bộ chủ chốt, đảng viên từ tỉnh tới cơ sở được quán triệt, tuyên truyền và trở thành hạt nhân tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc vận động. 

Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh.


Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa tới cộng đồng cũng là nhờ các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh tích cực tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Tiêu biểu phải kể đến Ban Dân vận Tỉnh ủy đã gắn thực hiện cuộc vận động với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ngoài tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức còn gắn việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, đầu tư vốn ngân sách với việc quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cơ quan, đơn vị ưu tiên mua sắm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện là hàng hóa được sản xuất trong nước. Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền về cuộc vận động qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các đợt tổ chức hội chợ, đưa hàng Việt về nông thôn. 


Đặc biệt, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực tuyên truyền về cuộc vận động. Mỗi năm, Báo Thái Bình đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh, video clip thông tin, phản ánh về các hoạt động: bán hàng bình ổn giá, hội chợ, triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn, công tác đấu tranh phòng,  chống buôn lậu, hàng giả,  gian lận thương mại; giới thiệu, biểu dương các doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm trong tỉnh để người tiêu dùng lựa chọn... Với các chuyên mục: “Tạp chí kinh tế”, “Sản xuất tiêu dùng”, “Bản tin tài chính thị trường”, Đài PTTH Thái Bình đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng với hàng Việt. 


Những cách làm hay 


Không dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động, các sở, ban, ngành của tỉnh cũng có rất nhiều cách làm hay nhằm đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào thực tiễn. Gần 10 năm qua, Sở Công Thương đã tổ chức hàng chục chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ thương mại, hội chợ quốc tế nông nghiệp, hội chợ mừng Đảng, mừng xuân và điểm bán hàng bình ổn thị trường. Chỉ tính riêng năm 2018, Sở đã tiếp nhận và chỉ đạo tổ chức thành công 5.685 chương trình khuyến mại, giảm giá các mặt hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước, thu hút hàng triệu lượt người dân tham quan; tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận các loại hàng hóa mang thương hiệu Việt có chất lượng cao, giá thành hợp lý. 

Chương trình bán hàng khuyến mại, giảm giá thu hút người tiêu dùng.


Ông Nguyễn Văn Nghiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh là nguyên nhân khiến người dân quay lưng lại với hàng Việt, ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Xác định được điều đó, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng, thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tổ chức hơn 20.000 lượt kiểm tra, kiểm soát thị trường; điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2018, Cục Quản lý thị trường tỉnh và lực lượng liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 2.622 vụ, xử lý 1.045 vụ, phạt tiền gần 2,5 tỷ đồng, tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa tang vật vi phạm. Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng đã bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, củng cố niềm tin, thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt. 


Có được kết quả như hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, các đoàn thể còn vận động hàng triệu đoàn viên, hội viên mua sắm, sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, kinh doanh và hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam.

(còn nữa)

Khắc Duẩn