Miến ngon Đông Thọ
Theo các cụ cao tuổi nơi đây kể lại, xưa kia cả vùng Đông Thọ bạt ngàn những ruộng, vườn xanh ngắt màu cây dong riềng. Cây dong riềng cứu đói cho bao gia đình nông dân thời trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Khi củ dong ăn thay cơm đã dư thừa, bà con nghĩ ra cách chế biến làm của để dành và bán, đổi lấy lương thực khác cải thiện cuộc sống. Từ đó, nghề làm miến dong ở Đông Thọ ra đời.
Đã có một thời kỳ nghề làm miến dong của xã Đông Thọ cực thịnh với hàng trăm hộ sản xuất. Nguồn nguyên liệu ngoài sẵn có của địa phương, bà con còn đi nhập dong của nhiều vùng lân cận, chủ yếu ở Hưng Hà, Vũ Thư về để chế biến. Miến dong Đông Thọ chủ yếu được làm thủ công, tuy ngon nhưng sản lượng hạn chế nên khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh. Nhiều gia đình đã phải ngậm ngùi từ bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh như chăn nuôi, làm vàng mã, sản xuất cây cảnh... Tiếc cái nghề đã gắn bó với cuộc sống bao thế hệ và lo “cái danh” miến dong Đông Thọ có nguy cơ mai một, không ít người tìm cách khôi phục, duy trì, phát triển làng nghề đi lên.
Ông Nguyễn Cao Luyện, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ chia sẻ: Cái khó của nghề làm miến dong địa phương là thiếu nguồn nguyên liệu, năng suất lao động thấp và bí đầu ra trên thị trường. Để tháo “nút thắt” ấy, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho bà con sản xuất, vận động các hộ đầu tư máy móc thay sức người và tăng năng suất. Cùng với đó, nhiều người đã lên các tỉnh miền núi phía Bắc tìm mua nguyên liệu về sản xuất và tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề ra thị trường cả nước. Đến nay, tuy số hộ làm nghề sản xuất miến dong của xã giảm chỉ còn 30 hộ với khoảng gần 300 lao động nhưng nhờ có máy móc nên quy mô, sản lượng làm ra gấp 10 lần so với trước. Vào thời kỳ cao điểm, mỗi cơ sở sản xuất miến có thể cho ra từ 1 - 1,5 tấn miến/ngày. Mỗi năm bà con sản xuất, cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn miến dong, mang về giá trị từ 6 - 7 tỷ đồng. Những hộ làm quy mô nhỏ có mức lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm còn những hộ quy mô sản xuất lớn đạt lợi nhuận từ 200 - 400 triệu đồng/hộ/năm.
Khi thưởng thức miến dong Đông Thọ, nhiều người đều cảm nhận có mùi vị thơm mát, thanh đạm, sợi miến dai, giòn, không bị nát nếu lỡ nấu quá lửa. Ông Dương Đức Huy, một đại lý lớn ở huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng chia sẻ: Hơn 5 năm nay tôi đều về Đông Thọ nhập miến dong đưa ra Hải Phòng bán buôn cho các cửa hàng. Miến ở đây ngon, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả cũng hợp lý nên bán rất chạy. Để chuẩn bị thực phẩm bán thị trường tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tôi đã đặt của bà con xã Đông Thọ 15 tấn miến dong để mang về phục vụ người dân Hải Phòng ăn tết.
Qua quy trình sản xuất khép kín từ xay bột, lọc bột, nấu bột, tráng bánh, phơi bánh đến thái miến, phơi miến, những sợi miến dong có màu hơi ngà ngà ra đời. Vốn đã ngon, miến dong Đông Thọ còn ngon hơn nhờ kết tinh sự chịu thương, chịu khó, mộc mạc, sự công phu và cái tâm của những người thợ gia truyền. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, thôn Thống Nhất cho biết: Để có được sợi miến ngon đòi hỏi người thợ phải ngâm, lọc bột thật kỹ để sau này sợi miến trong suốt, không có vẩn đục hay sợi xơ. Khi tráng bánh đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ từ khâu đánh bột cho đều, tráng bánh sao cho độ dày đều rồi canh coi cho bánh chín tới thì phải đưa ra giàn phơi ngay. Vất vả và công phu nhất đối với người thợ là công đoạn phơi bánh. Tùy theo nhiệt độ, nắng, gió mà người thợ định ra khoảng thời gian phơi bánh để đủ khô, khi xếp, gấp vào nhau không bị kết dính, nhưng cũng không được khô quá làm gẫy lá bánh, không thái thành sợi miến được.
Các bậc cao niên ở xã Đông Thọ khẳng định: Nghề làm miến dong là nghề chắt lọc tinh túy của đất và trời để cho ra một loại thực phẩm rất đặc biệt. Củ dong hút dinh dưỡng của đất tích lũy thành những chất bổ. Sợi miến dong hấp thụ ánh nắng, gió của trời mà giòn, dai, thơm mát. Người làm miến dong chỉ sản xuất khi trời có nắng; còn khi trời mưa, râm mát họ lại nghỉ ngơi. Họ chấp nhận một quy luật lao động vất vả như thể “giời đày” ấy cũng chỉ vì để có những sợi miến dong sạch, giòn, dai và chất lượng nhất cho người tiêu dùng. Bởi, quá trình phơi bánh, phơi miến nếu gặp thời tiết trời âm u, độ ẩm cao hoặc mưa không phơi khô được, những tấm bánh, sợi miến sẽ bị mốc thì tất cả mọi công sức lao động đều đổ xuống sông, xuống biển.
"Miến dong ngon vì được làm từ tinh bột của củ dong riềng nên nó hội đủ các đặc tính: có tính mát, nhiều chất xơ, không chứa chất béo, vị ngọt, chứa ít đường tinh bột, không cholesterol, nhiều protein." |
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
Vũ thị hoa - 1 năm trước
Nguyễn Thị Thư - 4 năm trước
Nguyen hai yen - 5 năm trước
Lê văn hiệu - 5 năm trước