Thứ 4, 13/11/2024, 21:36[GMT+7]

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình hòa dòng chảy EVN

Thứ 4, 13/02/2019 | 14:46:23
5,890 lượt xem
Sau 5 năm triển khai xây dựng, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy đã hoàn thành và đi vào hoạt động, chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia.

Các kỹ sư, chuyên gia Nhà máy nhiệt điện Thái Bình điều khiển và giám sát hệ thống vận hành sản xuất điện.

Công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) là đơn vị thực hiện tư vấn quản lý dự án, tổng thầu EPC là nhà thầu Marubeni Corporation (Nhật Bản). Dự án được khởi công ngày 22/2/2014, tổng mức đầu tư gần 26,6 nghìn tỷ đồng trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 85%, còn lại 15% vốn đối ứng của EVN. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất 600 MW (2 x 300 MW).

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ; dự án có tỷ trọng nội địa hóa cao; công trình nhà máy nhiệt điện quy mô lớn đầu tiên do đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế. Để vận hành 2 tổ máy sản xuất điện, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng lượng than đầu vào (loại than cám 5) từ 1,3 - 1,5 triệu tấn/năm. Với mức tiêu thụ than như vậy, lượng tro, xỉ từ Nhà máy thải ra khoảng 90.000 tấn xỉ và 350.000 tấn tro. Nhà máy nhiệt điện Thái Bình khác với tất cả các dự án nhiệt điện khác đó là tất cả lượng tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao đều được xử lý, cấp chứng nhận đạt quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Cơ bản toàn bộ lượng tro, xỉ thải ra được cung cấp cho các đơn vị phối trộn bê tông, vữa xây dựng, xi măng và sản xuất gạch không nung.

Ông Dương Thủy Đức, Giám đốc Nhà máy nhiệt điện Thái Bình cho biết: Song song với nhiệm vụ sản xuất, phát điện lên lưới, Nhà máy rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Từ ngày 23/5/2017 khi tổ máy đầu tiên của Nhà máy phát điện hòa lưới thành công vào hệ thống điện quốc gia đến nay, tất cả các thông số về bảo vệ môi trường đều rất tốt. Các chỉ tiêu về khí khải, chất thải, nước thải đều thấp hơn so với báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt. Tất cả các hồ sơ pháp lý về môi trường cho nhà máy: ĐTM, giấy phép khai thác sử dụng nước mặt; giấy phép xả nước thải; giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, các kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, sự cố chất thải nguy hại, sự cố môi trường đều xây dựng và đã được cơ quan chức năng xác nhận.

Điều các cơ quan chức năng và người dân lo lắng khi Nhà máy nhiệt điện Thái Bình đi vào hoạt động chính là nguồn nước làm mát hệ thống thải ra môi trường gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên trong Nhà máy, hệ thống bể, kênh mương xử lý nước thải đều được đầu tư, thiết kế khoa học, đúng quy định. Theo các kỹ sư và chuyên gia của Nhà máy, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được áp dụng quy chuẩn kỹ thuật rất khắt khe, nhất là về nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải sau xử lý không vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT. Hệ thống nước thải làm mát và nước thải từ hệ thống lọc RO được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống giám sát tự động. Cụ thể, kết quả các thông số chất lượng nước thải tương đương chất lượng nguồn nước khai thác tại công trình khai thác nước đầu vào từ sông Trà Lý; thông số pH trong khoảng từ 6 - 9, thông số Clo dư không vượt quá 1 mg/l, thông số nhiệt độ không vượt quá 8OC so với nhiệt độ nước đầu vào trước khi xả ra sông Trà Lý. Công ty Nhiệt điện Thái Bình trang bị màn hình điện tử cỡ lớn đặt tại cổng chính của Nhà máy để công khai các thông số phát thải. Nhà máy có thiết kế hồ kiểm chứng nước thải sau xử lý ở vị trí thuận lợi cho người dân quan sát. Hệ thống quan trắc môi trường của Nhà máy là hệ thống tự động, kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát trực tiếp ở bất cứ thời điểm nào.

Một góc Nhà máy nhiệt điện Thái Bình.


Ông Phạm Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương cho biết: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình nằm trong quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình theo Quyết định số 1274/QĐ-BCT ngày 24/10/2007 của Bộ Công Thương. Sau khi đưa vào vận hành thương mại, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện hàng năm từ 3,6 - 3,9 tỷ kWh, dự kiến cho doanh thu 6.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng/năm. Dự án giữ vai trò bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của không riêng Thái Bình mà cho một số tỉnh lân cận trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia.

Hà Thanh