Chủ nhật, 10/11/2024, 09:52[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp

Thứ 2, 04/03/2019 | 08:40:17
1,555 lượt xem
Nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Phụ luôn chủ động phối hợp với các công đoàn cơ sở để giải quyết những kiến nghị của người lao động ngay tại cơ sở. Nhờ đó, một số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể đều được giải quyết kịp thời, tạo niềm tin đối với người lao động.

Công nhân Công ty TNHH Sao Vàng chi nhánh Quỳnh Phụ tích cực lao động sản xuất.

Huyện Quỳnh Phụ hiện có trên 14.000 công nhân lao động đang làm việc ở trên 200 doanh nghiệp, trong đó có 27 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn với trên 9.000 đoàn viên công đoàn. Các doanh nghiệp ở Quỳnh Phụ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh dịch vụ, sản xuất quy mô nhỏ, gia công cho các công ty lớn trong và ngoài tỉnh, phần lớn lao động có tay nghề thấp, tác phong công nghiệp chưa cao. Mặt khác, việc thực hiện các chế độ, chính sách với người lao động tại một số công ty chưa tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, vì vậy quan hệ lao động ở những doanh nghiệp này trở nên phức tạp, người lao động và người sử dụng lao động chưa tìm được tiếng nói chung. 

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Phụ, trong năm 2018, toàn huyện xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể của hàng nghìn lượt công nhân lao động làm thiệt hại về kinh tế của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tâm lý làm việc của người lao động và an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ ngừng việc là do một số doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về lao động, một bộ phận người lao động chưa nhận thức đúng chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Trong 4 vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, ngay sau khi nhận được thông tin, Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với tổ công tác giải quyết đình công, ngừng việc của huyện xuống doanh nghiệp gặp gỡ công nhân lao động để tìm hiểu nguyên nhân, thông qua ban chấp hành công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp để xác minh và phân tích nguyên nhân trước khi tiến hành đối thoại giữa lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện người lao động. 

Đối với những kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, Liên đoàn Lao động huyện yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp phải cam kết thực hiện theo đề nghị của người lao động. Với những kiến nghị liên quan đến phúc lợi của người lao động chưa được thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể, Liên đoàn Lao động huyện đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp nghiên cứu, đáp ứng đủ hoặc một phần kiến nghị của người lao động. Trong một số trường hợp do khả năng tài chính của doanh nghiệp chưa đáp ứng được phúc lợi của người lao động, Liên đoàn Lao động huyện và tổ công tác giải quyết việc đình công, ngừng việc của huyện tiếp tục tuyên truyền, động viên, giải thích để người lao động hiểu cùng chia sẻ với doanh nghiệp. Nhờ sự vào cuộc tích cực, thông thường sau từ 1 đến 3 ngày ngừng việc, công nhân đã trở lại doanh nghiệp làm việc.

Theo bà Tăng Thị Hiệu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Phụ, để giải quyết tốt tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trước tiên cần sớm nhận biết các dấu hiệu ngừng việc tập thể có thể xảy ra tại doanh nghiệp để có những biện pháp thích hợp ngăn ngừa. Vấn đề quan trọng hơn, mang tính phòng ngừa là xây dựng các chính sách lao động, thời gian làm việc, thang lương, phụ cấp lương và các khoản phúc lợi trong nội bộ doanh nghiệp một cách hợp lý, bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Bên cạnh đó, khi sự việc xảy ra, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân từ người lao động và xác minh, phân tích nguyên nhân, tìm hiểu mức độ nóng tại hiện trường để tham mưu, đề ra phương hướng xử lý nhằm hạn chế tối đa tính bột phát hoặc lợi dụng gây rối, phá hoại tài sản của doanh nghiệp. Phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động ngay tại doanh nghiệp và yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp trả lời kiến nghị của người lao động bằng văn bản. Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở phải tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể để báo cáo với công đoàn cấp trên phối hợp cùng giải quyết. Đồng thời sau khi giải quyết ngừng việc phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện những nội dung cam kết của doanh nghiệp.

Đình công, ngừng việc tập thể dù tuân thủ hay không tuân thủ theo các quy định của pháp luật đều làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại về vật chất cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, điều quan trọng là phải phòng ngừa, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ khi sự việc mới manh nha xuất hiện, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thu nhập ổn định của người lao động.

Nguyễn Cường