Thứ 7, 23/11/2024, 19:56[GMT+7]

Thúc đẩy toàn diện, thiết thực công tác người Việt ở nước ngoài

Thứ 6, 11/08/2023 | 11:20:07
2,114 lượt xem
Việc triển khai các chỉ đạo tại Kết luận số 12 đã thúc đẩy công tác người Việt ở nước ngoài theo hướng toàn diện, thiết thực, thể hiện rõ hơn tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với Kiều bào.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Nhìn lại 2 năm triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, khẳng định việc triển khai các quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 12 đã thúc đẩy công tác người Việt ở nước ngoài theo hướng toàn diện, thiết thực, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho Cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài."

Để góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước, xuất phát từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình triển khai, trong bối cảnh mới của thế giới, trong nước và cộng đồng Kiều bào ta ở nước ngoài, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12 với một số điểm mới.

Đó là thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho Cộng đồng người Việt ở nước ngoài. "Trước nay, Đảng và Nhà nước luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới đồng bào ta ở nước ngoài, song đây là lần đầu tiên quan điểm này được chỉ rõ trong một văn bản của Bộ Chính trị," Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Kết luận số 12 nhấn mạnh việc vận động các thế hệ Kiều bào trẻ, đồng thời tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Kiều bào; đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại; đặt ra yêu cầu cao hơn để xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại.

Việc triển khai các quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 12 đã thúc đẩy công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng toàn diện, thiết thực với sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương và tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chúng ta không chỉ thu hút nguồn lực từ Kiều bào mà còn mở rộng chăm lo giúp Kiều bào ổn định cuộc sống, nâng cao vị thế, giải quyết các nguyện vọng chính đáng của Kiều bào.

Bộ sách "Chào Tiếng Việt" do tác giả Nguyễn Thuỵ Anh biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) 

Sau gần 2 năm thực hiện Kết luận số 12, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt được một số kết quả quan trọng. Theo đó, công tác tham mưu, xây dựng chính sách có những chuyển biến tích cực, ngày càng đáp ứng tốt hơn những nguyện vọng chính đáng của bà con. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến Kiều bào, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của Kiều bào như chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, đầu tư, sở hữu tài sản…

Công tác đại đoàn kết, vận động Kiều bào hướng về quê hương tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết và tinh thần hướng về quê hương đất nước của Kiều bào. Kiều bào ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho Tổ quốc.

Việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được chú trọng. Công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại tiếp tục được quan tâm. Việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được triển khai mạnh mẽ. Công tác thông tin tới người Việt Nam ở nước ngoài được đổi mới về nội dung và hình thức, chú trọng phát triển nội dung trên nền tảng số để Kiều bào có thể dễ dàng tiếp cận thông tin.

Bên cạnh những kết quả trên, công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn đối mặt với một số khó khăn, hạn chế như việc ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến Kiều bào vẫn còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho Kiều bào.

Việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc mặc dù đã đạt được bước đột phá nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác hỗ trợ Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế. Công tác thu hút nguồn lực của Kiều bào phục vụ phát triển đất nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cộng đồng, nguồn lực tri thức của Kiều bào...

Truyền cảm hứng học tiếng Việt và lan tỏa văn hóa dân tộc

Tiêu biểu, cụ thể hóa nhiệm vụ Kết luận số 12, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9.

Đề án hướng tới xây dựng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trở thành dấu mốc quan trọng hàng năm trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; tạo động lực giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng; thông qua việc tôn vinh tiếng Việt góp phần xây dựng Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết việc triển khai Đề án nhằm nâng cao ý thức Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt; huy động nguồn lực Kiều bào giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện Đề án, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang triển khai Cuộc thi tìm kiếm "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023" với mong muốn những "sứ giả" này sẽ là người quảng bá văn hóa, truyền cảm hứng và tạo động lực học tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày 8/9 tới đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài dự kiến tổ chức chuỗi hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như mở hội thảo về sự kiện này để đánh giá kết quả triển khai các hoạt động trong năm 2023, xây dựng và đề xuất các biện pháp triển khai năm 2024; Lễ Tổng kết "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023" và trao tặng danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023;" Chương trình Gala "Tiếng Việt thân thương."

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ triển khai xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại một số nước như Lào, Nhật Bản, Slovakia, Áo, Hungary…; tổ chức khóa Tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho giáo viên người Việt ở nước ngoài; hỗ trợ tài liệu dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng tại một số nước…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cùng đoàn đại biểu Kiều bào tiêu biểu dâng hương tại Lăng Hùng Vương nhân Giỗ Tổ Hùng Vương 2023, tháng Tư vừa qua. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN) 

Kết luận 12 đã xác định rõ việc đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo định hướng này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho Kiều bào hiểu hơn về chính sách của Đảng và Nhà nước, sự thay đổi của đất nước, giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Có thể kể đến các hoạt động đã trở thành thương hiệu như Xuân Quê hương, Đoàn Kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, Trại Hè Việt Nam, Đưa đoàn Kiều bào ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa...

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng với các cơ quan đại diện ta tại nước ngoài đã hỗ trợ Kiều bào tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như biểu diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực…, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ của Kiều bào với cội nguồn, văn hóa dân tộc, bảo vệ và quảng bá giá trị truyền thống Việt Nam.

"Một mục tiêu rất quan trọng đặt ra trong Kết luận 12 là vận động thế hệ trẻ. Chương trình Trại Hè Việt Nam năm 2023, chúng tôi đã tổ chức để đưa các thanh thiếu niên Kiều bào từ các quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới về Việt Nam trải nghiệm tham quan các di tích lịch sử, rồi tham gia các hoạt động tri ân, rồi giới thiệu với các em về các nét đẹp trong truyền thống cũng như ẩm thực. Đặc biệt là chúng tôi đề cao việc phải nói tiếng Việt, phải giữ gìn tiếng Việt," Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nói.

Triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách liên quan đến Kiều bào

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 2 năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết trong thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được triển khai toàn diện trên các mặt.

Cụ thể là chú trọng công tác nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chính sách liên quan đến Kiều bào, trong đó tập trung giải quyết sớm những vướng mắc liên quan đến quyền lợi thiết thân và chính đáng của bà con; chú trọng triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách liên quan đến Kiều bào, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt ở nước ngoài. Chú trọng công tác vận động hướng tới Kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Kiên trì vận động những Kiều bào còn định kiến để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn chú trọng chăm lo, đầu tư nguồn lực cho việc hỗ trợ Kiều bào; củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, để những hội đoàn này thực sự là hạt nhân, có uy tín, ảnh hưởng lớn để quy tụ, hỗ trợ, phát triển cộng đồng ngày càng đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương.

Cùng với đó là đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của Kiều bào; tăng cường tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo nhằm gắn kết doanh nhân, trí thức Kiều bào với trong nước; phát huy nguồn lực và vai trò của Kiều bào trong việc nâng cao vị thế quốc gia và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước./.

Theo Vietnam+