Thứ 7, 23/11/2024, 20:12[GMT+7]

Thế hệ trẻ tại Mỹ ngày càng quan tâm tới việc học tiếng Việt

Thứ 4, 31/01/2024 | 12:07:19
2,588 lượt xem
Theo bà Nguyễn Phương Chung, các bạn trẻ Mỹ cảm nhận mỗi ngày đến lớp học tiếng Việt là mỗi ngày xích lại gần Việt Nam hơn, biết thêm về cuộc sống, những nét văn hóa đặc sắc của người Việt.

Bà Nguyễn Phương Chung, Giám đốc chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á của Đại học Columbia (Mỹ), trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: TTXVN phát)

Với nhiều người Mỹ, từng có thời gian dài họ chỉ biết đến Việt Nam gắn với hai từ “chiến tranh.” Tuy nhiên, điều này đang thay đổi cùng với xu thế phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương. 

Thế hệ trẻ tại Mỹ giờ đây biết đến Việt Nam là một quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ, một nền kinh tế năng động và hội nhập toàn cầu, đặc biệt nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếng Việt đã đóng vai trò như một “sứ giả” trong quá trình thay đổi ấy.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, bà Nguyễn Phương Chung - một giảng viên tiếng Việt hàng đầu tại Mỹ và hiện là Giám đốc chương trình tiếng Việt thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á của Đại học Columbia danh tiếng, cho biết ngày càng nhiều người Mỹ quan tâm học tiếng Việt. 

Có hai nhóm sinh viên, một nhóm là người Mỹ gốc Việt và một nhóm là sinh viên người Mỹ. 

Với các bạn người Mỹ gốc Việt, điều đầu tiên khiến các bạn mong muốn học tiếng Việt là muốn kết nối, hiểu hơn về văn hóa nguồn cội dân tộc, về đất nước quê hương xứ sở. 

Trong khi các sinh viên người Mỹ rất hứng thú học tiếng Việt để trực tiếp khám phá nền văn hóa, đất nước, con người và lịch sử Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Phương Chung, các bạn trẻ Mỹ cảm nhận mỗi ngày đến lớp là mỗi ngày xích lại gần Việt Nam hơn, các bạn biết được thêm về cuộc sống hằng ngày của người Việt, những nét văn hóa đặc sắc như văn hóa gia đình, văn hóa ứng xử giữa bố mẹ và con cái, giữa ông bà và các cháu, quan hệ hàng xóm láng giềng hay các loại hình nghệ thuật dân gian. Đây là những nét có nhiều khác biệt so với văn hóa Mỹ.

Anh Jonathan Formella, sinh viên Đại học Columbia, chia sẻ Việt Nam và Mỹ có lịch sử phức tạp, nhiều lúc thăng trầm. Trước đây, anh chỉ biết Việt Nam qua sách báo và các phương tiện truyền thông Mỹ. 

Chính điều này đã thôi thúc Jonathan học tiếng Việt để tự mình khám phá nền văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. 

Năm 2023, Jonathan đã sang Hà Nội sinh sống trong gần 1 năm. Chuyến đi để lại trong chàng sinh viên Mỹ những ấn tượng sâu đậm về một Việt Nam thật khác, một Việt Nam phát triển, người dân nồng hậu, một nền văn hóa đặc sắc, phong phú và vô cùng ấm áp. 

Anh hy vọng trong tương lai có thể dùng vốn tiếng Việt của mình để giúp nhiều người Mỹ hiểu hơn về dải đất hình chữ S.

Duyên dáng trong tà Áo dài truyền thống, sinh viên Sophie Arnstein lại chia sẻ một câu chuyện thú vị khác. Cô nữ sinh tới từ “kinh đô giáo dục” Boston (bang Massachussetts) cho biết lý do ban đầu khiến cô học tiếng Việt chỉ đơn giản là để hiểu hơn người bạn thân của mình, một phụ nữ gốc Việt sống cùng thành phố.

Chị Sophie Arnstein, sinh viên Đại học Columbia, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: TTXVN phát)

Thế nhưng, càng học, Sophie càng thấy yêu tiếng Việt và yêu đất nước cách xa nửa vòng Trái Đất. Theo Sophie, chính tiếng Việt đã mở cánh cửa đưa cô tới một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc dân tộc. 

Chỉ sau vài tháng học tiếng, Sophie đã thực hiện chuyến du lịch đến Việt Nam, đi thăm những danh lam thắng cảnh như Phố cổ Hội An, Hồ Gươm hay Vịnh Hạ Long vốn trước đây chỉ biết qua phim ảnh. Nữ sinh Đại học Columbia hy vọng một ngày không xa sẽ đến sống và làm việc tại Việt Nam.

Với vốn tiếng Việt hạn chế, nữ sinh Lưu Thị Tường Vy nói rằng em lớn lên trong một gia đình gốc Việt tại thành phố San Diego (bang California) nhưng nhiều khi rất khó chia sẻ với bố mẹ hay ông bà những suy nghĩ của mình do bất đồng ngôn ngữ. 

Đó là lý do em khao khát và quyết tâm học tiếng Việt để các thành viên trong gia đình có thể giao tiếp và hiểu nhau hơn. 

Em Tường Vi cho rằng các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt nên duy trì tiếng Việt, một phần là để biết đâu là nguồn cội, một phần cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Giám đốc Chương trình tiếng Việt Nguyễn Phương Chung cho biết thêm chương trình đang giảng dạy 4 lớp, từ trình độ sơ cấp đến cao cấp cho cả sinh viên cử nhân và sinh viên cao học ngành Việt Nam học. 

Ngoài các lớp học chính thức, trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giới thiệu về văn hóa truyền thống và đất nước-con người Việt Nam, như buổi biểu diễn ca trù của các nghệ nhân đến từ Việt Nam hay buổi chiếu phim “Once Upon Bridge Vietnam.”

Sau 5 năm xây dựng và phát triển, chương trình tiếng Việt của Đại học Columbia đã đào tạo khoảng 50 sinh viên. 

Nhờ tiếng Việt, các học viên có thể cảm nhận sự khác biệt giữa cải lương, chèo hay dân ca quan họ, hay cảm nhận được vẻ đẹp Việt Nam thông qua tà Áo dài và các trang phục truyền thống khác. 

Hầu hết học viên đều hy vọng có nhiều cơ hội trải nghiệm các nét đẹp văn hóa đó ở Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ Mỹ đã đến Việt Nam sống một thời gian để học tiếng Việt, đi du lịch và khám phá văn hóa, con người Việt Nam. Cảm nhận chung của các học viên Mỹ sau những chuyến đi như vậy là tình yêu Việt Nam và mong muốn một ngày nào đó tới Việt Nam sinh sống, làm việc. 

Tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ, mà thật sự đã trở thành cầu nối gắn kết những người Việt xa xứ, đồng thời mở ra cách cửa mới chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam./.

Theo Vietnam+