Thứ 7, 23/11/2024, 10:23[GMT+7]

Bệnh viện dã chiến Việt Nam làm tốt các nhiệm vụ chuyên môn tại Phái bộ Liên hợp quốc

Thứ 2, 11/11/2024 | 10:55:19
704 lượt xem
Trong những ngày qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 của Việt Nam tại Nam Sudan đã liên tiếp cấp cứu, điều trị thành công các ca bệnh khó, khẳng định năng lực chuyên môn và uy tín khi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 của Việt Nam đã vận chuyển qua đường hàng không, cấp cứu thành công một thai phụ mang song thai ở tình trạng nguy hiểm. (Ảnh: Sỹ Công)

Thai phụ là người Kenya. Cả cô và chồng đều là nhân viên Liên hợp quốc tại Mayen Abun, Nam Sudan. Cô đã mang thai 6 lần và có 3 con còn sống, hiện đây là lần mang thai thứ 7. Thai nhi hiện hơn 23 tuần tuổi. Tại y tế cơ sở đã phát hiện 1 túi thai bị vỡ ối, nguy cơ đẻ non cao, đội ngũ y bác sĩ xác định đây là ca đẻ cực non, nếu sản phụ chuyển dạ sinh sẽ nguy hiểm cho tính mạng thai nhi cũng như người mẹ.

Vì điều kiện y tế hạn chế và đi lại khó khăn tại Mayen Abun, bệnh viện khu vực đã đề nghị hỗ trợ vận chuyển y tế khẩn cấp, đưa bệnh nhân lên cơ sở y tế tuyến trên để đảm bảo an toàn tính mạng. Để đảm bảo quá trình cấp cứu và vận chuyển an toàn cho bệnh nhân, BVDC2.6 đã được yêu cầu tham gia kế hoạch vận chuyển y tế hàng không khẩn cấp với hai chuyến bay liên hoàn. Bệnh viện đã  cử một tổ cấp cứu gồm bác sĩ đội Cấp cứu đường không (AME) và bác sĩ sản khoa nhanh chóng đến khu vực Mayen Abun bằng máy bay trực thăng.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành đánh giá tổng thể, thực hiện các thủ thuật y tế cần thiết nhằm ổn định dấu hiệu sinh tồn và đảm bảo an toàn trong suốt quá trình di chuyển. Trong quá trình bay, bệnh nhân được theo dõi sát sao và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp, thậm chí đội ngũ cấp cứu đã chuẩn bị sẵn khả năng đỡ đẻ ngay trên máy bay nếu cần thiết.

Sau khi hoàn thành chặng bay từ Mayen Abun về sân bay Rubkona, đội cấp cứu đường không của BVDC2.6 đã kịp thời bàn giao bệnh nhân cho đội cấp cứu của bệnh viện tuyến trên. Bệnh nhân ngay sau đó được chuyển tiếp lên một chuyến bay khác, tiếp tục hành trình đến thủ đô Juba, nơi có cơ sở y tế hiện đại hơn để điều trị.

Với các đánh giá y tế chính xác, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp nhịp nhàng giữa các đội ngũ cấp cứu và hai chuyến bay, bệnh nhân đã được vận chuyển an toàn đến bệnh viện tuyến trên tại Juba.

Trước đó, BVDC2.6 đã điều trị thành công một ca sốt rét đặc biệt. Bệnh nhân nam 29 tuổi tiền sử khoẻ mạnh, người Ghana, khởi phát bệnh ngày 23/10 với tình trạng buồn nôn, nôn, đi lỏng nhiều lần. Sau đó xuất hiện sốt cao, ớn lạnh, rét run thành cơn kèm theo đau đầu vùng trán, đau cơ khớp. Tại Bệnh viện cấp 1, xét nghiệm phát hiện nhiễm ký sinh trùng sốt rét plasmodium falciparum và điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu. Ngày thứ 2 của bệnh, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện buồn nôn, nôn nhiều lần, kèm theo mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, bệnh nhân được đặt dịch truyền và chuyển ngay sang Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam trong đêm 24/10.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân mắc sốt rét đã cắt sốt, tinh thần tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng huyết động ổn định, các xét nghiệm dần trở về giới hạn bình thường. (Ảnh: Sỹ Công)

Kíp trực của BVDC2.6 đã ngay lập tức tiến hành hồi sức tích cực bằng truyền dịch, kết hợp thuốc điều trị đặc hiệu sốt rét, thuốc hạ sốt, giải độc gan, vitamin K1. Khi tình trạng bệnh tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển về Phòng cấp cứu Khoa Nội - Truyền nhiễm để tiếp tục theo dõi sát diễn biến lâm sàng và điều trị theo chuyên khoa.

Sau 3 ngày điều trị tại Khoa Nội - Truyền nhiễm, bệnh nhân cắt được sốt, tinh thần tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tình trạng huyết động ổn định, các xét nghiệm dần trở về giới hạn bình thường nên được chuyển về Bệnh viện cấp 1 để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Đây là trường hợp sốt rét khá đặc biệt bởi khởi phát bệnh là tình trạng rối loạn tiêu hóa (nôn, đi lỏng trước sau đó mới xuất hiện sốt), vì vậy, bệnh nhân này là lời cảnh báo quan trọng về sự đa dạng của khởi phát lâm sàng cũng như sự tiến triển nhanh của bệnh sốt rét do plasmodium falciparum bởi khả năng tiến triển thành sốt rét nặng, sốt rét ác tính. Các trường hợp nặng là do tình trạng tắc nghẽn các mao mạch nhỏ, dẫn đến rối loạn tuần hoàn, giảm tưới máu và suy đa cơ quan.

Bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển rất nhanh và sớm tử vong trong vài giờ đến vài ngày. Với hầu hết các ca bệnh nặng, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%, do đó, việc chẩn đoán sớm bằng kinh nghiệm lâm sàng, xét nghiệm đặc hiệu và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sốt rét là yếu tố rất quan trọng. Trường hợp bệnh nhân này dù nặng nhưng đã được điều trị sớm và kịp thời ngay từ đầu nên đã đáp ứng tốt với điều trị./.

Theo Dangcongsan.vn