Thứ 4, 13/11/2024, 08:41[GMT+7]

Tiêu hủy gần 15.000 con lợn bị tả lợn châu Phi

Thứ 3, 12/03/2019 | 15:48:13
700 lượt xem
Tính đến ngày 11/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh, thành phố.

Lực lượng thú y tiêu hủy 80 con lợn của một hộ chăn nuôi ở Nam Định

Gần 14.370 con lợn đã buộc phải tiêu hủy

13 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ DTLCP là Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày.

Có một điểm chung của hầu hết các ổ dịch là bệnh DTLCP chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, các địa phương đều vào cuộc rất quyết liệt, tiêu hủy ngay lập tức đàn lợn bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, lập các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y tổ chức lấy 1.424 mẫu giám sát (dương tính 633 mẫu), trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 953 mẫu (dương tính 633 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 489 mẫu (dương tính 11 mẫu).

Bộ cũng lấy mẫu gửi các phòng kiểm nghiệm, phân tích trong nước cũng như tham vấn các phòng quốc tế; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp thực hiện ngay việc tiêu hủy toàn bộ số lợn. Đến nay đã có gần 14.370 con lợn buộc phải tiêu hủy.

Đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch. Tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch.

DTLCP chỉ nguy hiểm cho lợn, không lây nhiễm và gây bệnh ở người

DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng. Bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, lợn bệnh có khả năng chết lên tới 100%. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Mặc dù các cơ quan chức năng, các địa phương, Bộ NN&PTNT và Chính phủ, ngay từ khi xuất hiện bệnh DTLCP tại Trung Quốc đã ngay lập tức vào cuộc, nỗ lực hết mình, hết sức, nhưng cuối cùng bệnh vẫn xâm nhập vào Việt Nam.

Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp cả trên thế giới và trong nước, Cục Thú y khuyến cáo:

Các hộ chăn nuôi, gia trại, thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Mua con giống rõ nguồn gốc. Không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt chín. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

Khi phát hiện lợn bệnh, nghi bị bệnh,… không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh; không điều trị vì bệnh này không điều trị được.  

Đối với trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn: Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm; có biệt pháp xử lý, sát trùng mọi ngương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm...

Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh, trên các tuyến đường trong và từ ngoài đi vào trại. Khi có lợn bệnh, nghi bị bệnh phải báo chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân. Không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển từ nơi đang có bệnh đi bất kỳ nơi khác.

Mặc dù DTLCP đã xuất hiện ở 13 tỉnh, thành phố, nhưng bệnh này không lây nhiễm sang người, không lây truyền sang các vật nuôi khác, nên Cục Thú y khuyến cáo người chăn nuôi và người tiêu dùng hết sức bình tĩnh, không nên hoang mang, không nên tẩy chay thịt lợn, để từ đó việc chống dịch được hiệu quả nhất, cũng như hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi trong nước. 

Theo baochinhphu.vn