Chủ nhật, 24/11/2024, 01:55[GMT+7]

Cùng vào cuộc để sớm chấm dứt bệnh lao

Thứ 2, 25/03/2019 | 09:10:48
1,195 lượt xem
Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả cao, chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030 không phải là việc của riêng ngành Y tế mà cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Thái Bình.

Theo thông tin từ ngành Y tế, mỗi ngày trên thế giới có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh lao mới. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 về gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới, khoảng 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Tại Thái Bình, những năm gần đây, công tác phòng, chống lao (PCL) được đẩy mạnh, công tác phát hiện, quản lý và điều trị có nhiều chuyển biến tích cực. Bác sĩ Bùi Huy Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình cho biết: Mạng lưới PCL từ tỉnh đến cơ sở được duy trì hoạt động và từng bước nâng cao chất lượng trong phát hiện nguồn lây, quản lý, điều trị, kiểm tra giám sát, truyền thông giáo dục sức khỏe. Năm 2018 phát hiện 1.320 bệnh nhân lao mới. Hiện tỷ lệ bệnh nhân lao phổi dương tính trên 100.000 dân tại Thái Bình là 35,2 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học và ngoài lao phổi chiếm 52% tổng số bệnh nhân lao các thể. Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi tái phát có chiều hướng giảm từ 5,4% năm 2017 xuống còn 4,2% tổng số bệnh nhân lao các thể năm 2018... Tuy công tác PCL đạt nhiều kết quả, tỷ lệ điều trị bệnh lao khỏi những năm gần đây đã tăng song vẫn còn nhiều người mắc lao chưa được phát hiện và đưa vào quản lý, điều trị, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.


Hàng năm, ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 được tổ chức là dịp để nhắc nhở mỗi người về mối nguy hiểm của bệnh lao từ đó chung tay hành động nâng cao hiệu quả công tác PCL. Đặc biệt, năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các cấp chính quyền, cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các đối tác trong nước và quốc tế cùng hành động theo biểu ngữ “Tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân lao” để không ai bị bỏ lại phía sau. Riêng với Việt Nam, ngày Thế giới phòng, chống lao có chủ đề: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Theo bác sĩ Bùi Huy Hưởng, đây là cơ hội để các tổ chức chính trị - xã hội, mọi người dân trên địa bàn tỉnh cùng nâng cao nhận thức, chung tay vào cuộc PCL. Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao, Bệnh viện Phổi Thái Bình đã triển khai kế hoạch hoạt động, trong đó đẩy mạnh công tác tham mưu, truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn kỹ thuật PCL. Đồng thời, phát động trong toàn thể nhân viên y tế chiến dịch hành động PCL trên phạm vi toàn tỉnh bao gồm: truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về bệnh lao, tăng cường phát hiện nguồn lây, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân lao, tăng cường phát hiện lao kháng đa thuốc, lao trẻ em, lao/HIV. Ngoài ra, Bệnh viện Phổi Thái Bình còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và huyện Kiến Xương tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao; phối hợp với các đơn vị, các đoàn thể đẩy mạnh truyền thông xóa bỏ kỳ thị, mặc cảm, tăng tiếp cận các dịch vụ dự phòng, khám phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng, tiến tới chấm dứt bệnh lao.


Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Cùng chung tay PCL, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bệnh viện Phổi Thái Bình tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức PCL và duy trì sinh hoạt mô hình “Chi hội nông dân phát hiện lao sớm và điều trị bệnh lao theo DOTS” tại 8 xã điểm. Duy trì thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ điều trị bệnh lao cho bệnh nhân qua hệ thống tin nhắn (M-Health) tại 81 xã. Tổ chức tuyên truyền cho hàng nghìn lượt hội viên kiến thức về phòng tránh và điều trị bệnh lao. Qua các hoạt động đã phát hiện mới, tổ chức thăm hỏi và tặng quà gần 400 lượt bệnh nhân lao đang điều trị. Hội nông dân các xã cũng tích cực phối hợp với trạm y tế tư vấn, động viên hội viên và người dân nghi mắc lao đi khám và điều trị. Phối hợp với đài truyền thanh hàng tháng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình bệnh lao, nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh... Qua các hoạt động, tổ chức hội nông dân góp phần cùng ngành Y tế và cộng đồng đẩy mạnh công tác PCL, góp phần sớm đạt các mục tiêu của chương trình PCL quốc gia về loại trừ bệnh lao ra khỏi đời sống cộng đồng.

Hà Anh