Thứ 4, 13/11/2024, 07:05[GMT+7]

Khi doanh nghiệp và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung

Thứ 3, 02/04/2019 | 08:30:30
1,103 lượt xem
Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể, hầu hết đều do các doanh nghiệp chưa thực nghiêm các quy định liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động còn nhiều phức tạp, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Đại diện tổ chức công đoàn và các ngành chức năng làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Sunny Gloves để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nhiều quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể, cao hơn 3 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể: ngày 10/1 xảy ra vụ ngừng việc của 15 công nhân Công ty TNHH Sunny Gloves tại thành phố Thái Bình; ngày 24/1 xảy ra vụ ngừng việc của 925 công nhân Công ty TNHH Plummy Garment Việt Nam tại thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà); ngày 27/2 xảy ra vụ ngừng việc của 155 công nhân Công ty TNHH Điện tử Woolley Việt Nam tại khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) và mới nhất,  ngày 11/3 xảy ra vụ ngừng việc của 700 công nhân Công ty TNHH NamDong Việt Nam tại thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ). Nguyên nhân dẫn đến 4 vụ ngừng việc tập thể chủ yếu xuất phát từ việc chủ sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật về lao động như: nợ lương, thời gian làm việc tăng so với quy định, điều kiện làm việc chưa bảo đảm, thường xuyên tăng ca, tăng giờ, tăng sản lượng khoán quá quy định khi chưa có sự thỏa thuận với người lao động (NLĐ); tăng định mức lao động để giảm tiền lương của NLĐ, không điều chỉnh lương tối thiểu theo mức lương tối thiểu vùng; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ không đầy đủ như đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Điển hình như việc Công ty TNHH Sunny Gloves nợ 5 tháng lương của 15 công nhân với số tiền gần 400 triệu đồng hay vụ ngừng việc của 155 công nhân Công ty TNHH Điện tử Woolley Việt Nam khi doanh nghiệp không tăng tiền thâm niên cho công nhân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tăng giờ làm quá so với quy định trong khi không tăng lương, một số chế độ thai sản đối với NLĐ bị cắt giảm, điều kiện, môi trường làm việc không bảo đảm...

Công đoàn vào cuộc giải quyết kiến nghị của người lao động
Sau khi tiếp nhận thông tin về 4 vụ ngừng việc tập thể nói trên, các cấp công đoàn và các ngành chức năng đã xuống gặp gỡ công nhân để nắm bắt tình hình; trao đổi với chủ sử dụng lao động về những kiến nghị NLĐ đưa ra để tìm biện pháp giải quyết đồng thời đề nghị NLĐ không đập phá máy móc, bảo vệ tài sản. Sau một thời gian đàm phán, nhiều quy định về quyền lợi của NLĐ đã được doanh nghiệp điều chỉnh. Cụ thể, trường hợp 15 công nhân Công ty TNHH Sunny Gloves bị nợ từ 4 - 5 tháng lương đã được doanh nghiệp trả đầy đủ; 8 kiến nghị của công nhân Công ty TNHH Điện tử Woolley Việt Nam về tăng tháng lương thứ 13, tăng tiền thâm niên, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc... đều được doanh nghiệp chấp thuận.

Tuy nhiên, qua các vụ ngừng việc tập thể cho thấy ngoài việc các doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, phía NLĐ cũng còn một số hạn chế: ý thức tổ chức và kỷ luật chưa cao; chưa có tác phong chuyên nghiệp trong lao động, sản xuất. Cùng với đó, mặt trái sự phát triển của mạng xã hội khiến NLĐ dễ bị ảnh hưởng bởi tác động từ bên ngoài, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các vụ việc tập trung đông người, ngừng việc tập thể hoặc các vụ việc mất an ninh trật tự. Theo thống kê từ trước đến nay, 100% vụ ngừng việc tập thể đều là tự phát, không đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Để hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, theo ông Đào Xuân Tuấn, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh), thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật lao động tại các doanh nghiệp cho NLĐ; cán bộ, đoàn viên công đoàn chủ động, thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng của NLĐ để chủ động giải quyết kịp thời; công đoàn cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ tại doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại định kỳ để giải quyết kịp thời những kiến nghị của NLĐ ngay tại cơ sở; đồng thời, tổ chức rà soát, sửa đổi nội quy, quy chế về thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp cho phù hợp.

Hiện nay, cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, việc nắm bắt, cập nhật văn bản, kiến thức về pháp luật lao động chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình làm việc với chủ sử dụng lao động và NLĐ. Vì vậy, điều quan trọng là cần tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng giải quyết tranh chấp giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ cho đội ngũ cán bộ công đoàn, từ đó mới phát huy được vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Nguyễn Cường