Thứ 7, 23/11/2024, 18:10[GMT+7]

Đừng bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày

Thứ 4, 03/04/2019 | 08:26:16
2,608 lượt xem
Là người nội trợ thông minh, đừng bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày và hãy học cách lựa chọn thịt an toàn để bảo đảm duy trì món ăn yêu thích.

Người e dè, người tích cực
Bà Nguyễn Thị Thanh, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) băn khoăn: Tôi thường đi chợ Kỳ Bá để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình vì chợ khá phong phú, đa dạng. Thường thì thực phẩm ưa thích hàng ngày của gia đình tôi là thịt lợn vì giá cả vừa phải so với các loại thực phẩm khác, lại dễ chế biến và có thể chế biến được nhiều món... Song thời gian gần đây bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành cộng với việc thông tin có nhiều học sinh ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn nên tôi ái ngại mà bỏ qua hàng thịt lợn mỗi khi vào chợ. Mặc dù qua Báo Thái Bình và các phương tiện truyền thông đại chúng khác tôi đã biết là bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh trên người, bệnh sán lợn cũng không nghiêm trọng như các trang mạng xã hội đưa tin miễn là mình biết cách phòng tránh nhưng đến nay đã gần hai tuần gia đình không ăn thịt lợn mà chuyển sang ăn thịt gà, bò, cá, tuy chi phí cao hơn nhưng tâm lý yên tâm hơn.

Khác với bà Thanh, bà Bùi Thị Tân ở phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) vẫn mua và chế biến thịt lợn thành món ăn hàng ngày vì biết bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây và gây bệnh trên người. Chỉ khác là bà chú ý mua ở những hàng quán uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, lúc mua chú ý chọn thịt tươi ngon. Bà cho biết, đợt này giá thịt lợn rẻ hơn so với trước, từ 95.000 đồng/kg thịt mông giờ còn 75.000 đồng/kg. Không những mua thịt lợn cho bữa ăn gia đình hàng ngày, bà còn mua và chế biến gửi cho con cháu ở Hà Nội. “Chúng tôi cũng xuất phát từ nông dân nên rất hiểu nỗi vất vả và tâm lý người chăn nuôi. Chăm bẵm cả năm mới có được đàn lợn, nếu chẳng may bị dịch bệnh thì thất thu, may mắn không bị thì trong thời điểm dịch bệnh hiện nay cũng rất khó bán. Vậy nên chúng tôi bảo nhau đi chợ vẫn mua thịt lợn là còn để giúp người chăn nuôi bớt khổ” - bà Tân chia sẻ.

Cách lựa chọn thịt lợn an toàn
Các bà nội trợ không nên bỏ thịt lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày cũng là lời khuyên của ông Trần Đăng Chuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Chuấn, do nhiều thông tin không chính xác về bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nhiều người bỏ thịt lợn ra khỏi bữa ăn hàng ngày, như vậy là không cần thiết. Chỉ cần hãy là người nội trợ thông minh, học cách lựa chọn thịt lợn an toàn, tươi ngon, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; khi chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là được.

Các bà nội trợ lưu ý, thịt lợn sạch, an toàn về mặt vật lý phải bảo đảm không có dị vật, bụi bẩn, bùn đất... Về mặt hóa học, thịt lợn không chứa các chất hóa học, chất bảo quản thực phẩm. Về mặt sinh học, thịt sạch không có vi trùng hay ký sinh trùng. Như vậy, thịt lợn sạch, an toàn là chăn nuôi bảo đảm đúng quy chuẩn, trong quá trình chăn nuôi được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin; không sử dụng các chất kích thích tăng trọng. Lợn được dừng sử dụng kháng sinh trước khi mổ đúng quy định từ 15 - 30 ngày. Thịt sau giết mổ được vận chuyển, bảo quản đúng quy định tránh bị nhiễm khuẩn. Khi mua thịt, các bà nội trợ nên chú ý mua ở cửa hàng uy tín, nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch. Ngoài ra, bằng mắt thường, các bà nội trợ chú ý quan sát thịt lợn khỏe, không ốm phải tươi ngon. Miếng thịt có da sạch, không có các vết tụ máu lấm tấm như muỗi đốt hoặc các nốt hoại tử; thịt đỏ hồng và tươi, dùng tay ấn vào miếng thịt có độ đàn hồi, ấn xuống thịt lõm vào và thả tay ra thì trở về ngay như lúc ban đầu là được. Nếu ấn ngón tay vào miếng thịt cảm thấy cứng thì thịt có thể bị ngâm chất bảo quản hoặc nhão quá có thể là lợn được nuôi bằng chất kích thích tăng trọng. Khi sờ vào miếng thịt không dính tay, có cảm giác hơi ẩm vì trong thịt cũng có thành phần là nước. Nếu thịt đổi màu có thể là thịt để lâu bảo quản không tốt hoặc thịt lợn ốm, chất lượng thịt đã bị thay đổi, nếu sử dụng có thể gây hại cho sức khỏe. Miếng thịt không bị xuất huyết ở các lớp cơ, lớp mỡ hoặc không có các dị vật màu trắng to như hạt gạo. Lớp mỡ màu trắng tinh, nếu mỡ có các vết xuất huyết hoặc chuyển màu vàng hoặc màu khác có thể là lợn bị bệnh. Miếng thịt phải không có mùi khét, tanh hôi hay mùi thuốc kháng sinh, khi chế biến nếu có mùi hôi khó chịu thì tốt nhất không nên dùng.

Hà Dung