Thứ 4, 13/11/2024, 08:40[GMT+7]

Gần 21.000 tỷ đồng đầu tư cho 115km đường cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng

Thứ 2, 08/04/2019 | 10:44:45
2,272 lượt xem
Đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) sẽ được phân kỳ làm 2 giai đoạn đầu tư cho 115km với tổng số vốn lên tới gần 21.000 tỷ đồng.

Đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ có chiều dài 115km. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) nếu được thông qua sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 115km (địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 50km và địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 65km), ngốn nguồn vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Đây là nội dung chính trong Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Trong đó, điểm đầu kết nối vào đoạn cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tại nút giao thuộc khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối thuộc khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng tại ngã ba đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và quốc lộ 34.

Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn, trong đó, nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 là 12.546 tỷ đồng (vốn ngân sách Nhà nước 5.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại 7.546 tỷ đồng). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm từ khi bắt đầu khai thác (từ năm 2023-2038). Theo hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả), dự án được triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian 48 tháng.

Giai đoạn 2 (sau năm 2025) sẽ tiếp tục được đầu tư với tổng số tiền 8.393 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn là khoảng 20 năm từ khi bắt đầu khai thác giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đưa ra việc hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ sử dụng doanh thu tại các trạm thu phí để tính toán phương án tài chính, thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án.

Cụ thể, trạm thu phí sẽ thu theo hình thức thu phí kín, giá vé cơ sở năm 2020-2022 là 2.000 đồng/xe/km (đồng nhất với tuyến cao tốc tiếp giáp Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị). Mức tăng giá vé 3 năm điều chỉnh một lần, dự kiến mỗi lần tăng 15%.

Đặc biệt, mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đảm bảo không vượt khung giá quy định tại Thông tư số 60/2018/TT-BGTVT ngày 21-12-2018 của Bộ Giao thông Vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT- BGTVT ngày 15-11-2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

“Do lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh phụ thuộc nhiều vào chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực và tốc độ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của địa phương, dẫn đến doanh thu thu phí có thể không đạt được như kỳ vọng theo dự báo trong phương án tài chính, khi đó cần phải có phương án dự phòng tài chính từ nguồn ngân sách của trung ương và địa phương để hỗ trợ bù đắp doanh thu”, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng kiến nghị.

Công trình này sau khi hoàn thành sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới nối liền các khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Trà Lĩnh; kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh-Urumqi-Khorgos (Trung Quốc) sang các nước châu Âu, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc, góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng lân cận dọc tuyến, đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. 

Theo hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày