Thứ 7, 23/11/2024, 17:48[GMT+7]

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ 4, 17/04/2019 | 08:34:42
3,579 lượt xem
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc ứng dụng máy móc trong sản xuất luôn được các cấp, các ngành cũng như nông dân trong tỉnh chú trọng, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa đạt 80%.

Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn tỉnh thời gian qua không ngừng tăng đã góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp vào thời điểm có tính mùa vụ cao, tạo quỹ đất cho sản xuất vụ hè, vụ đông. Cơ giới hóa được tiến hành chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là trong sản xuất lúa. Trên địa bàn tỉnh, nhiều chương trình hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức cho các công ty sản xuất, cung cấp thiết bị trình diễn ngay trên đồng ruộng nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất. 

Ngoài những chính sách hỗ trợ theo từng vụ, ngày 24/9/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND về việc quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ 50% đơn giá mua máy đối với máy cấy (không quá 40 triệu đồng/máy), máy gặt đập liên hợp (không quá 132 triệu đồng/máy); 80% đơn giá mua thiết bị kho lạnh bảo quản giống khoai tây (không quá 120 triệu đồng/thiết bị). Nhờ đó, nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư cơ giới, nhất là các khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động. 

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua 3.877 máy móc, công cụ các loại phục vụ làm đất, gieo cấy, thu hoạch; 23 kho lạnh với tổng kinh phí 184 tỷ đồng; riêng trong hai năm 2015, 2016 đã hỗ trợ gần 46,3 tỷ đồng mua 456 máy gặt, máy cấy và 3 kho lạnh. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và tưới, tiêu đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 80%. 

Với mục tiêu giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng gieo thẳng đang có xu hướng gia tăng của nông dân và tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp do thiếu lao động, phấn đấu đến năm 2025 100% diện tích lúa được cấy bằng máy, ngành Nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ máy cấy: bổ sung máy cấy sản xuất trong tỉnh loại có động cơ vào danh mục máy được hỗ trợ, nâng mức hỗ trợ đối với máy cấy cỡ lớn... đồng thời bổ sung máy sấy nông sản vào danh mục loại máy được hỗ trợ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed trình diễn máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu ở vụ mùa năm 2018.


Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh nông dân đã đầu tư 145 máy cấy do liên doanh với nước ngoài sản xuất, 300 máy của Công ty TNHH Trần Đại Nghĩa (Tiền Hải). Diện tích cấy bằng máy ở vụ xuân đạt 3.134ha (chiếm 4% tổng diện tích gieo cấy). 

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương đôn đốc thực hiện việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, đặc biệt trong khâu gieo cấy; xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển số lượng, chủng loại máy phù hợp, từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, trong đó tập trung huy động sự vào cuộc của các HTX nông nghiệp để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng cơ giới hóa.

Ngân Huyền