Thứ 7, 23/11/2024, 17:31[GMT+7]

Tổng lực chống buôn lậu, gian lận thương mại (Kỳ 1)

Thứ 5, 18/04/2019 | 09:17:52
2,188 lượt xem
Thái Bình tuy không phải điểm nóng buôn lậu, gian lận thương mại nhưng hoạt động này đang diễn biến khá phức tạp, tác động xấu đến môi trường sản xuất, kinh doanh, làm xáo trộn thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

242 bình gas không rõ nguồn gốc được cơ quan quản lý thị trường phát hiện, thu giữ.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tạo sự ổn định cho thị trường.

Kỳ 1: Muôn cách “lách luật”

Theo Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh: Nguyên nhân của tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng còn thấp, thậm chí cố tình chống đối. Người tiêu dùng khi mua hàng không lấy hóa đơn vẫn còn phổ biến, đây chính là hành vi vô tình tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại, trốn thuế của không ít cơ sở kinh doanh. Thêm vào đó, chính quyền các xã, phường, thị trấn chưa vào cuộc tích cực trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có điều kiện, vẫn để những cơ sở kinh doanh không bảo đảm điều kiện kinh doanh hoạt động. Các lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu; điều kiện trang thiết bị, phương tiện và kinh phí hoạt động của các ngành chức năng còn hạn chế.


Buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại mang lại lợi nhuận bất chính cao cho các đối tượng. Chính vì vậy, các đối tượng luôn tìm mọi cách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đó cũng là thực tế khiến công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại không chỉ riêng của Thái Bình gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Nghiên, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh) cho biết: Ở Thái Bình, hàng hóa chủ yếu được nhập lậu qua các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh lân cận vận chuyển qua hoặc đưa vào địa bàn trà trộn với những hàng hóa khác để tiêu thụ. Mặt hàng nhập lậu từ tiêu dùng hàng ngày đến những loại có giá trị cao như quần áo may sẵn, hàng điện tử, điện dân dụng, thực phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi kích động bạo lực, thuốc lá ngoại... Ngoài đường bộ, các đối tượng còn đưa hàng lậu vào địa bàn bằng đường biển, đường thủy nội địa, tuy không nhiều nhưng cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng.

Qua các vụ phát hiện, xử lý đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, các cơ quan chức năng đã chỉ ra một số phương thức hoạt động chủ yếu thường được các đối tượng sử dụng. Nổi lên là các đối tượng xé nhỏ, tháo rời, giấu kín hàng hóa trên các phương tiện giao thông, vận chuyển bất kể ngày đêm, các khâu được khép kín, liên hoàn nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả được các đối tượng nhập về tiêu thụ không bày bán công khai mà thường lén lút bày lẫn với hàng hóa sản xuất trong nước, trà trộn núp bóng với hàng liên doanh hoặc hợp thức hóa với hóa đơn của các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng phương thức tạm nhập tái xuất, nhập nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu để buôn lậu. Chúng lợi dụng cơ chế hải quan thông thoáng, vận chuyển hàng bằng container đã kẹp chì, quay vòng hóa đơn, xé lẻ hàng hóa, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ để vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu một cách tinh vi.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng chuyên nghiệp hơn với việc sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại khiến cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả. Các tổ chức vi phạm đã hình thành các quy trình chuyên biệt: sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói thành phẩm. Hàng giả thường được sản xuất dưới dạng gia công, đến đâu tiêu thụ đến đó. Địa bàn tiêu thụ chúng thường nhắm vào vùng nông thôn, xa trung tâm để lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và ham rẻ của người dân.

Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang có những diễn biến phức tạp. Nếu như năm 2017, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh phát hiện, xử lý 2.144 vụ vi phạm thì năm 2018 lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 2.216 vụ và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 406 vụ. Những con số đó cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại.

(còn nữa)

Khắc Duẩn