Thứ 7, 23/11/2024, 16:11[GMT+7]

Đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Thứ 6, 19/04/2019 | 07:02:41
836 lượt xem
Nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; làm rõ cơ sở giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: quochoi.vn

Chiều ngày 18/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ  và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Chính phủ quy định biên chế tối thiểu các tổ chức hành chính

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Qua gần ba năm thực hiện hai Luật Tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định hiện hành của hai luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ đề xuất giao cho cơ quan này thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn. Cụ thể, Chính phủ sẽ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, Chính phủ quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn có tính đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính; quy định số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập…

Về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính (khoảng từ 10% đến 15% ở từng đơn vị hành chính); giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống 1 người và tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người.

Có nên giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, qua rà soát, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, về nguyên tắc, việc phân quyền, phân cấp phải gắn thẩm quyền, trách nhiệm với cơ chế bảo đảm nguồn lực để tổ chức thực hiện. Do đó, đối với những địa phương đã tự chủ được kinh phí ngân sách thì cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp để trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, địa phương không nhất thiết việc gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Song song với đó, cũng cần nghiên cứu thêm vấn đề giao chỉ tiêu biên chế phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên (loại đơn vị hành chính) cho từng địa phương.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 02 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương vì thực chất được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn nêu trên để vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng cũng phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị.

“Việc đánh giá tác động cần làm rõ nếu giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh thì trên toàn quốc sẽ giảm được bao nhiêu và sẽ sắp xếp, bố trí vào vị trí công việc nào cho phù hợp; nếu tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II thì toàn quốc sẽ tăng bao nhiêu, có phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế không cũng cần được làm rõ”, ông Định nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhận định, vấn đề lớn, quan trọng trong tinh giản bộ máy là sắp xếp để hiệu quả tốt hơn chứ không phải chỉ giảm. “Thực tiễn hiện nay, việc lãnh đạo phân quyền theo cơ sở, đồng thời nhiều sở cũng được cắt giảm, như vậy, quyền lực tập trung về UBND, giờ lại giảm ở HĐND thì ai giám sát?”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu vấn đề.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng, cần phải giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tại các cấp vì hiện nay chúng ta đang nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND. “Như vậy chỉ còn 1 Phó Chủ tịch HĐND điều hành công việc rất  khó ”, ông Chiến nói./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày