Thứ 3, 26/11/2024, 21:20[GMT+7]

Đông Hưng: Nỗi lo tái đàn lợn

Thứ 2, 22/04/2019 | 08:47:31
1,731 lượt xem
Tính đến hết ngày 11/4, huyện Đông Hưng đã tiêu hủy trên 47.000 con lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng gần 2.400 tấn. Trong tổng số lợn bị tiêu hủy có trên 11.600 con lợn nái và gần 19.000 con lợn sữa. Người chăn nuôi lợn của huyện Đông Hưng hiện rất lo lắng về việc tái đàn sau khi hết dịch.

Suốt 30 năm qua, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Phan Thị Hiền, thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh là từ chăn nuôi lợn. Vậy mà giờ đây tổng đàn lợn 60 con, trong đó có 3 con lợn nái của gia đình bà Hiền mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đem tiêu hủy hết. 

Bà Hiền cho biết: Để gây được một con lợn nái mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Bình thường mỗi con nái đẻ 1 lứa từ 10 - 13 con. Không biết bao giờ mới khống chế được bệnh dịch và mới có thể chăn nuôi lại. Song điều tôi và các hộ chăn nuôi lo lắng nhất hiện nay là không còn lợn nái và lợn con phục vụ tái đàn sau khi dập được dịch. 

Bệnh dịch tả ập đến, lan nhanh, lợn bị nhiễm bệnh đều bị chết dù đã chủ động làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại song đàn lợn gần 500 con của gia đình chị Đặng Thị Hoa, thôn Tân Tiến, xã Hợp Tiến đã bị tiêu hủy trên 100 con, trong đó có cả lợn nái và số lợn bị nhiễm bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thường xuyên nuôi khoảng 40 con lợn nái trong chuồng nên chị Hoa chưa từng phải lo về con giống song giờ điều này đã xảy ra khiến chị mất ăn, mất ngủ. 

Chị Hoa cho biết: Một con lợn nái giá trị hàng chục triệu đồng, giờ bị mắc bệnh chết, sau đợt dịch này chắc chắn giá lợn giống sẽ tăng cao, gia đình lại đang nợ tiền ngân hàng và đại lý thức ăn chăn nuôi hàng trăm triệu đồng lấy tiền đâu để mua lợn giống về nuôi sau khi hết dịch. Gia đình mong Nhà nước sớm cấp phát tiền hỗ trợ, ngân hàng giãn nợ và tiếp tục cho các hộ chăn nuôi vay vốn để có điều kiện khôi phục, phát triển chăn nuôi.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi có đặc điểm lợn nái đang mang thai mắc bệnh có thể sảy thai ở tất cả các giai đoạn, tỷ lệ chết cao lên tới 100%. Hiện trên địa bàn huyện Đông Hưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu về lợn giống. Với diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả hiện nay các địa phương không chỉ “căng mình” dập dịch mà còn lo về con giống cho việc tái đàn sau này. 

Ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch UBND xã Đông Cường cho biết: Tổng đàn lợn nái của xã là trên 1.100 con hiện đã phải tiêu hủy trên 921 con. Lợn nái, đặc biệt là lợn đang mang thai rất dễ bị nhiễm bệnh dịch tả và phải tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho nguồn sinh sản con giống trong nội bộ xã. Trong xã có 1 trang trại lớn với hơn 1.000 đầu lợn, đến giờ tất cả vẫn khỏe mạnh, xã đã cấp phát hóa chất, vôi bột, đồng thời hướng dẫn chủ hộ tiêu độc, khử trùng hàng ngày, tăng sức đề kháng bảo vệ đàn lợn để dập dịch xong có kế hoạch tái đàn thì đây sẽ là những hạt nhân, giống tốt phục vụ các hộ trong xã có nhu cầu. 

Hơn một tháng nay trực tiếp chỉ đạo công tác khoanh vùng dập dịch tả và tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh, ông Phạm Đăng Ngạc, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn vừa lo cho sự sụt giảm về số lượng đàn lợn của xã qua mỗi ngày vừa lo thiếu con giống để tái đàn khi khống chế được bệnh dịch tả. 

Ông Ngạc cho biết: Đến nay, toàn xã đã tiêu hủy 1.127 con lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có gần 250 con lợn nái. Có hộ đã “trắng” chuồng, “trắng” tay. Tuy rằng những ngày qua, số lợn phải tiêu hủy đã giảm hơn so với trước, song bệnh dịch tả vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Vì vậy, xã vẫn tập trung cao cho công tác phòng, chống bệnh dịch, chưa có kế hoạch cho việc tái đàn, song qua tình hình thực tế hiện nay việc thiếu con giống để phát triển chăn nuôi lại khi được phép tất yếu sẽ diễn ra, trở thành khó khăn lớn đối với việc khôi phục đàn lợn của xã cũng như việc phát triển chăn nuôi của các hộ.

Chuồng trại bỏ trống vì lợn đã chết hết bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong giai đoạn hiện nay, việc khống chế, kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ giúp người chăn nuôi giữ lại được con giống để tái sản xuất sau khi hết dịch. Tuy nhiên, huyện Đông Hưng cũng cần làm tốt công tác khoanh vùng, chủ động nguồn lợn giống ngay sau khi hết dịch, không để bị động, khan hiếm lợn giống, ảnh hưởng đến việc tái đàn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày