Thứ 7, 23/11/2024, 23:34[GMT+7]

Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng làm việc với Hà Nội và một số địa phương

Thứ 4, 24/04/2019 | 07:28:46
1,105 lượt xem
Chiều 23-4, tại Hà Nội, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Tiểu ban, có buổi làm việc với Hà Nội và một số địa phương phía bắc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng dự có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; và các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, TP Hà Nội và một số địa phương.

Buổi làm việc nhằm ghi nhận ý kiến của TP Hà Nội và các địa phương về Đề cương Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội (KTXH) 10 năm 2021-2030 và Báo cáo về tình hình KTXH 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật tầm quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm 13 tỉnh, thành phố, trong đó quan trọng nhất là TP Hà Nội. Thời gian qua, các địa phương này có nhiều gương sáng, kể cả mô hình phát triển, cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân… Thay mặt Tiểu ban, Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của các địa phương và các ý kiến phát biểu hết sức thẳng thắn, có chất lượng, phân tích rõ nhiều vấn đề; đây là những tư liệu tốt, mang ý nghĩa tổng kết rất hiệu quả. Qua đây, Tiểu ban sẽ tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo KTXH trình Đại hội XIII của Đảng.

Lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự buổi làm việc.

Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai kế hoạch, chiến lược của các địa phương đạt kết quả tốt, toàn diện. Các tỉnh đều tăng trưởng cao, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, quy mô nền kinh tế tăng lên; cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Đó là công sức, kết quả của công cuộc hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Không chỉ coi trọng phát triển kinh tế, chúng ta còn quan tâm lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, y tế; trong phát triển đã quan tâm, chú trọng môi trường hơn so những năm trước đây. Chính sách phát triển đã tiếp cận kinh tế thị trường, các tỉnh chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh. Các địa phương đều xã hội hoá nguồn lực mạnh mẽ trong phát triển. Bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị đã đổi thay nhiều so nhiều năm trước; quốc phòng an ninh được bảo đảm. Các địa phương cũng coi trọng việc phát triển doanh nghiệp tư nhân...

Quang cảnh buổi làm việc.

Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, các địa phương còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển, từ đó cần có giải pháp khắc phục; đồng thời nêu rõ, thời gian tới, mục tiêu chính vẫn là chú trọng chăm lo đời sống vật chất cho người dân, lấy con người làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm vì người dân. Tiếp tục chăm lo nông thôn, miền núi, xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Có kế hoạch chỉ đạo các chỉ tiêu thực chất như năng suất lao động, việc làm, đi tắt đón đầu khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng đồng bộ liên thông kể cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng thông minh; phát triển đường bộ, đường sắt. Tập trung chăm lo nguồn nhân lực tốt hơn nữa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, có chính sách thu hút nhân tài; khắc phục bất cập của liên kết vùng hiện đang còn yếu, khắc phục tệ quan liêu của bộ máy.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm đề xuất giải quyết các nhu cầu phát triển cấp bách của địa phương; nâng cao hiệu quả bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước... Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần từng địa phương phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới cách làm việc, tích cực đổi mới sáng tạo, tránh dựa dẫm, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo: dangcongsan.vn